1/ Định chế là gì?
Theo học thuật phương Tây, mỗi định chế là một mô hình kết cấu xã hội chi phối hành xử của một tập hợp người nhất định, nghĩa là giá trị luân lý và hành xử chung của các cá nhân trong mỗi định chế "mang tính vững bền". Cơ bản có hai loại định chế: vật thể và phi vật thể.
Các định chế vật thể có thể dễ dàng đơn cử là: trường đại học (thuộc siêu định chế giáo dục), bệnh viện (thuộc siêu định chế y tế), cảnh sát (thuộc siêu định chế Nhà nưỡc), tiền (thuộc siêu định chế kinh tế), giáo hội (thuộc siêu định chế tôn giáo), các tổ chức xã hội dân sự...Các định chế phi vật thể như là: tập quán, hôn nhân, nam quyền, truyền thống, ngôn ngữ...
Muốn xã hội mang một đặc tính nhất định nào đó, nhất thiết nó phải có các định chế đảm bảo cho đặc tính đó được biểu hiện. Không thể nói một xã hội là dân chủ tự do nếu nó không có xã hội dân sự đúng nghĩa, báo chí độc lập, tam quyền phân lập, bầu cử tự do minh bạch...Vì thế, chúng ta hay dùng cụm từ "các định chế dân chủ" để chỉ các định chế cần thiết để tạo nền móng cho dân chủ. Chừng nào các định chế này chưa được thiết lập, chừng đó nền dân chủ chưa thể thành hình.
Và mỗi định chế có đều có giá trị luân lý cốt lõi và vai trò xã hội không thể thay thế của riêng nó. Những cá nhân thuộc một định chế đều chia sẻ những giá trị luân lý chung của định chế ấy. Và một định chế vẫn tồn tại nếu luân lý của nó vẫn được tuân thủ và vai trò của nó vẫn được hoàn thành. Nó tự huỷ khi xa rời luân lý và vai trò cố hữu tạo nên chính nó từ ban đầu.
2/ Luật sư là một định chế
Nói dài dòng như thế về định chế cũng chỉ để tóm lại rằng: nếu cảnh sát, toà án, công tố là các định chế thuộc siêu định chế Nhà nước. Thì luật sư cũng là một định chế, nhưng là định chế dân chủ, định chế bảo vệ tự do cho người dân trước guồng máy bạo lực độc quyền của Nhà nước. Và khi đã đồng ý với nhau, luật sư là một định chế thì chúng ta không thể xét đoán luật sư như những cá nhân công dân bình thường mà phải nhìn họ như là thành viên của một định chế quan trọng.
Tất nhiên ai cũng biết, Việt Nam không có luật sư đúng nghĩa, nghĩa là luật sư không có đủ sức mạnh để thực hành vai trò của mình. Tiếng nói của luật sư quá nhỏ bé và không được lắng nghe trước bộ máy toà án và công tố đầy quyền năng. Trong các vụ án phi chính trị, tiếng nói luật sư không mạnh bằng tiếng nói của đồng tiền và thế lực. Còn trong những vụ án chính trị, liên quan đến các điều khoản về "an ninh quốc gia", biện luận của luật sư hầu như không có giá trị gì. Định chế luật sư ở Việt Nam chủ yếu vẫn là để giúp việc cho giới doanh nhân quốc nội làm ăn với nhau và làm ăn với nước ngoài. Nhưng xây dựng nó, đấu tranh cho nó trở nên trưởng thành, mạnh mẽ và tự do là nhiệm vụ của mỗi cá nhân thuộc về định chế này.
Thế nhưng có vẻ như những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam tham quyền cố vị và dốt nát, mà đại biểu là bà Chủ tịch Quốc Hội Kim Ngân, lại muốn bóc tước thêm chút sức mạnh vốn đã ít ỏi của định chế luật sư bằng cách sửa đổi Bộ luật Hình sự theo ý chí riêng của kẻ cai trị độc tài: trong các trường hợp "xâm phạm an ninh quốc gia" luật sư có nghĩa vụ công dân phải tố cáo thân chủ mình?!
Tôi cho rằng, các luật sư cần nỗ lực đấu tranh chống lại ý chí độc tài này nếu không quý vị sẽ bước vào tiến trình tự huỷ định chế luật sư. Vì chính vai trò bảo vệ thân chủ định danh định luật sư. Giá trị luân lý của định chế luật sư là bảo vệ thân chủ mình. Nếu việc tố cáo thân chủ được định chế hoá thành "nghĩa vụ" của luật sư trong bộ luật Hình sự, định chế luật sư xem như cáo chung.
3/ Luân lý định chế và luân lý cá nhân khác biệt
Thật tai hại khi nhầm lẫn luân lý định chế với luân lý cá nhân. "Tốt" trong luân lý cá nhân nghĩa là sống với lương tâm, bảo vệ lẽ phải và công bằng. Nhưng "tốt" trong luân lý của định chế luật sư nghĩa là "tất cả vì quyền lợi của thân chủ". Không phải vì tiền luật sư được trả, mà là vì vai trò đã được trao ngay từ đầu cho định chế này. Nếu luật sư tố cáo thân chủ thì ngay lúc đó ông ta là công tố viên, chứ không còn là luật sư nữa. Nếu tiền lệ luật sư tố cáo thân chủ được thiết lập, thì định chế dân chủ non yếu này ở Việt Nam sẽ chết yểu.
Trong bộ phim Rainmaker, nhân vật Rudy Baylor đã giúp thân chủ mình thắng trong vụ kiện công ty bảo hiểm Great Benefit và trở nên nổi tiếng, nhiều khách hàng lớn thèm muốn anh, nhưng anh đã bỏ nghề vì biết rõ rằng: anh đã gặp may vì lần thắng kiện đầu tiên và duy nhất đó anh bảo vệ một thân chủ nghèo và chịu bất công; nhưng chắc gì lần sau anh nhận một vụ cho thân chủ nghèo (trừ khi suốt đời anh chọn không gian làm việc hạn hẹp là chỉ bảo vệ những người nghèo, không có tiếng nói); càng nổi tiếng, thì cơ may bênh vực người nghèo càng ít, các ông chủ cá mập sẽ thuê anh và không sớm thì muộn anh sẽ trở thành Leo F. Drummond, nhân vật luật sư đối thủ của Baylor trong vụ kiện Great Benefit.
Lựa chọn cá nhân của Rudy Baylor là bỏ nghề luật sư, vì anh thiết tha với lương tâm và giá trị luân lý cá nhân mình. Chắc chắn không ai buộc anh phải làm luật sư, nhưng khi đã chọn là luật sư anh có nghĩa vụ cao nhất là bảo vệ thân chủ mình. Mô hình hành xử và giá trị luân lý của định chế hoàn toàn vượt ra ngoài ý chí cá nhân trong định chế đó. Nếu một cá nhân trong định chế lựa chọn hành xử theo ý chí và lương tâm cá nhân mình, ngược với luân lý của định chế thì anh ta không còn thuộc về định chế đó nữa.
Tôi từng nghe, đại loại, thiên đường không có luật sư...Có lẽ vậy, luật sư càng tài ba và nổi tiếng, càng khó làm người tốt, vì luật sư bảo vệ tất cả khách hàng của họ từ một nạn nhân nghèo bị một công ty bảo hiểm từ chối chi trả chi phí y tế cho đứa con trai bị ung thư máu cho đến một đại công ty trốn thuế.
Chúng ta không thể tạo ra một định chế toàn hảo và chỉ có thể nỗ lực tạo ra những định chế bất toàn có chức năng cân bằng và kiểm soát nhau. Công tố cố gắng buộc tội, có thể quá hăng hái đến nỗi xâm phạm quyền tự do của người dân. Bởi vậy, cần có luật sư cố gắng gỡ tội cho thân chủ, dù lắm lúc họ phải gỡ tội cho kẻ có tội. Sự bất toàn của các định chế cũng chính là sự bất toàn của loài người. Chúng ta không cố gắng "thánh hoá" chúng mà chỉ cần định chế nào cũng làm tốt vai trò của chính mình là đủ.
4/ Thay lời kết
Dài dòng như trên để mong góp một tiếng nói nhỏ về đề tài ít được nhắc đến này, chứ không phải người viết không biết rõ mức độ thiếu kiến thức học thuật, nhưng lại dư thừa thủ đoạn độc tài của những người lãnh đạo cộng sản. Họ chẳng cần biết định chế, luân lý của định chế là gì cả. Họ chỉ cố tìm cách trấn áp những người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động xã hội dân sự và bất cứ ai làm ảnh hưởng đến sinh mạng của đảng cộng sản cầm quyền bằng cái mũ "xâm phạm an ninh quốc gia".
Để trả lời cho câu hỏi: luật sư có thể tố giác thân chủ trong những trường hợp thực sự gây nguy hiểm cho cộng đồng (một kế hoạch đánh bom khủng bố chẳng hạn) không? Cá nhân tôi trả lời là có, khi anh/cô ta nhận thấy việc giữ luân lý luật sư không quan trọng bằng (thậm chí có thể gây tổn hại lớn cho) luân lý chung của con người và trái với lương tâm của mình. Tóm lại, việc luật sư tố giác thân chủ nên là LỰA CHỌN CÁ NHÂN hơn là ĐƯỢC ĐỊNH CHẾ HOÁ bằng luật pháp, dù là thứ luật pháp độc đoán và ngu muội nhất chăng nữa.
Cuối cùng, điều mà tôi muốn nói với các bạn trẻ là: có một sự khác biệt một trời một vực giữa lựa chọn cá nhân và lựa chọn mang tính định chế. Lựa chọn cá nhân là những trường hợp ngoại lệ. Lựa chọn mang tính định chế tạo ra một mô hình hành xử chung gây ảnh hướng khổng lồ. Đâu đó có thể có một người làm được điều khác biệt ngoại lệ (có thể nó tốt đẹp và cao thượng). Nhưng nếu bắt buộc tất cả mọi người đều làm như anh ta thì đó chính là cú tát vào quyền tự do và nhân phẩm. Một hành xử tốt đẹp bị định chế hoá cũng trở nên què quặt. Thế đấy, đừng bị ám ảnh bởi điều tốt, hãy cảnh giác với bất kỳ điều gì đe doạ khả năng con người được sống với tự do và phẩm giá. Có lẽ tôi sẽ nói rõ hơn về điều này trong một bài viết khác.
Huỳnh Thục Vy
Buôn Hô, 29/5/2017
Buôn Hô, 29/5/2017