Cách đây vài tháng, cộng đồng facebook sửng sốt vì vụ sách dạy kỹ năng sống
cho học sinh lớp 1, do ông tiến sĩ Phan Quốc Việt làm chủ biên, có bài dạy học
sinh đi trên thuỷ tinh để đo lòng "dũng cảm”. Tuy tất cả chúng ta đều biết
dạy học sinh đi lên thuỷ tinh là một chuyển vô bổ, ngớ ngẩn mà bản chất điều này
cũng không nằm trong nội hàm của khái niệm “dũng cảm”; thế nhưng, tôi dạo khắp
không gian tiếng Việt trên mạng, chưa tìm được một luận bàn nghiêm túc và cặn kẽ
về khái niệm này. Hôm nay, xin viết xuống vài cảm nghiệm cá nhân để con trẻ của
chúng ta hay các thanh niên mới lớn có một chút manh mối để hiểu hơn về “lòng
dũng cảm”.
Con người mang nhiều nỗi sợ hãi từ tiềm thức nên sợ hãi là bản
năng, là phản ứng vô điều kiện của chúng ta trước những tình huống bất lợi. Sợ
hãi gần như hiện hữu trước cả khi chúng ta có nhận thức về thế giới ngoại tại.
Sợ hãi chỉ chuyển từ dạng thô thiển sang vi tế song hành với sự trưởng thành về
nhận thức của chúng ta mà thôi. Nghĩa là, hầu hết các nỗi sợ hãi không biến mất khi con
người ta trưởng thành mà chỉ chuyển từ dạng “trẻ con” sang dạng “người lớn”; ví
dụ như, trẻ con thì sợ bóng tối, đến khi lớn lên thì không sợ bóng tối nữa mà
chuyển sang sợ nghèo, sợ thất bại. Một số nỗi sợ hãi cố hữu sẽ giữ nguyên, về bản
chất, dù ta có lớn bao nhiêu tuổi chăng nữa; ví dụ như, lúc trẻ chúng ta sợ bị
cha mẹ bỏ một mình, đến lớn chúng ta sợ bị bạn bè, cộng đồng bỏ rơi, sợ cô đơn.
Có thể nói, nó làm ta mỏi trí nghĩ khi nói về sự sợ hãi, vì bàn về sợ hãi cũng khó
khăn và không manh mối tương tự như bàn về tiềm thức con người.