Tử Cống hỏi Khổng Tử về chính trị. Khổng Tử đáp:
- Đủ ăn, đủ binh và được dân tin cậy.
Tử Cống nói:
- Nếu phải bỏ đi một điều thì trong ba điều ấy điều nào có thể bỏ được?
Khổng Tử trả lời:
- Bỏ binh.
Tử Cống lại hỏi:
- Nếu còn phải bỏ đi điều nữa trong hai điều còn lại, điều nào có thể bỏ được?
Khổng Tử đáp:
- “Khứ thực, tự cổ nhân giai hữu tử, dân vô tín bất lập”, bỏ ăn, từ
xưa ai cũng phải chết, nhưng nếu dân bất tín thì chính trị không đứng
vững.
Đó là đoạn đối thoại giữa hai nhà minh triết Trung hoa về nghệ thuật
chính trị, nghệ thuật lãnh đạo. Qua đó chúng ta thấy rằng lòng dân là
một yếu tố căn bản trong một thể chế chính trị, có được sức mạnh quân
sự- kinh tế chưa hẳn có được lòng dân, nhưng một thể chế chính trị có
được lòng dân thì sẽ có được quân đội hùng mạnh và kinh tế phát triển
“Cái thực tế của chính trị là no đủ . Túc thực, túc binh. Nói rằng có
thể bỏ binh bỏ thực là phủ nhận thực tế sao? Cái nghĩa không phải vậy.
Bỏ binh đây có nghĩa là chớ đem binh đội biến thành móng vuốt của thống
trị”.
Đó là chính trị của Trung hoa, còn chính trị theo triết lý Việt thì sao?
Chính trị Việt thiên về văn tự, khi nói đến võ chỉ dùng hai chữ võ
công. Võ để chống xâm lược, để thực thi quốc phòng chính sách, không để
dùng làm qua nha. (Những quy luật trong chính trị Việt- Vũ tài Lục).
Vậy mà vừa qua trên BBC đưa tin:
“Đảng Cộng sản Việt Nam vừa chỉ đạo cho Quân đội phải nâng cao năng
lực điều hành và chỉ huy nhằm “xử lý các tình huống về an ninh chính trị
ở các địa phương đồng bộ và có hiệu quả hơn”.
Lãnh đạo ngành tuyên giáo của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế
Huynh đã phát biểu như vậy trong bối cảnh các địa phương tại Việt Nam
tiếp tục bắt giữ những người viết bài phê phán chính quyền trên mạng
Internet”.
Từ cổ chí kim quân đội của bất cứ quốc gia nào cũng từ nhân dân mà
ra, được sự nuôi dưỡng của nhân dân và một lẽ tất nhiên là phục vụ nhân
dân.
Thời đại ngày nay ở các nước dân chủ văn minh, quân đội phải đứng ngoài chính trị hay có thể gọi là “phi chính trị” .
Được đặt dưới sự lãnh đạo của một chính phủ dân sự do người dân bầu
ra, quân đội không thiên về một đảng chính trị nào và tuyệt đối trung
thành với quốc gia và dân tộc, phục vụ quốc gia và dân tộc.
Vậy mà dưới thời đại Hồ chí Minh quân đội trở thành công cụ của đảng
CS, trung thành và phục vụ cho đảng CS, để một khi quyền lợi của đảng CS
và quốc gia mâu thuẫn người dân bất phục tùng nổi lên chống lại cái
đảng cầm quyền phản quốc hại dân thì quân đội lại được đảng sử dụng như
một công cụ để đàn áp nhân dân, bảo vệ đảng.
Như vậy đảng CS đã biến quân đội thành gia nô của mình.
Nhưng ý đồ của đảng có thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào
quân đội, nếu quân đội ý thức được vị trí, giá trị và sứ mệnh cao quý
của mình là bảo vệ tổ quốc và nhân dân thì họ sẽ biết phải làm gì.
Những vị lãnh đạo của quân đội cũng vậy nếu họ ý thức được họ là
những người con của dân tộc Việt, trong con người họ còn lưu chuyển dòng
máu anh hùng của Bà Trưng bà Triệu, của Ngô Quyền, Lý thường Kiệt, Trần
Hưng Đạo, Quang Trung thì tất họ sẽ biết phải làm gì, biết chọn cho
mình chỗ đứng nào trong lòng dân tộc và lịch sử Việt nam.
Tôi luôn hy vọng rằng trong quân đội hiện nay vẫn còn nhiều người có
tầm nhìn viễn đại, trong hàng ngũ bộ đội, sĩ quan và tướng lĩnh vẫn còn
rất nhiều người ý thức được họ là con em của dân từ nhân dân mà ra,
phục vụ nhân dân và tổ quốc là sứ mệnh và lý tưởng thiêng liêng của quân
đội.
Trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội nhân dân VN, chúng ta đã từng thấy
sự dấn thân của tướng Trần Độ và hiện nay là tướng Nguyễn trọng Vĩnh,
hai vị tướng này đã chọn lựa đứng về phía dân tộc để hành xử tư cách làm
tướng của mình.
Trong chế độ độc tài đảng trị hiện nay việc chọn lựa đứng về phía
nhân dân không phải là một sự chọn lựa dễ dàng vì cho dù là tướng trong
quân đội họ vẫn còn có gia đình vợ con, sự an nguy của những người thân
của họ là một sự trói buộc phải cân nhắc.
Nhưng một khi thời cuộc biến động đặt ra những yêu cầu bức thiết thì
những con người này sẽ có cơ hội để vùng thoát khỏi sự chi phối của đảng
CS, họ sẽ đứng về phía nhân dân bằng cách hợp tác với những người đại
diện của dân để tìm được sự chính danh trong hành động.
Đảng CSVN ngày hôm nay đang bế tắc với những tranh giành quyền lực
nội bộ nên việc họ muốn kiểm soát và chi phối quân đội một cách toàn
diện là điều kiện sinh tử để đảng CS ngăn ngừa những cuộc binh biến có
thể xảy ra và sẵn sàng đàn áp và vô hiệu hóa sự nổi dậy của người dân
cũng là những mục tiêu mà đảng CS nhắm tới.
Nhưng việc dùng quân đội như vũ khí và nanh vúôt của chế độ để đàn áp nhân dân là biểu hiện sự khốn cùng của đảng CS.
Quân đội nhân dân VN hãy so sánh mình với quân đội các nước trong khu
vực và thế giới để biết thực trạng của mình chỉ là con tốt trong tay
đảng CS.
- Quân đội Thái Lan sẵn sàng can thiệp vào chính trị mỗi khi họ nhận
thấy một chính phủ dù là do dân bầu có xu hướng đi chệch với mục tiêu
dân chủ và đi ngược lại với quyền lợi quốc gia, nhưng họ không lợi dụng
sức mạnh và ưu thế của mình để biến thành quân phiệt như ta đã thấy.
Chỉ có một quân đội và một quốc gia luôn luôn vận động để trưởng thành về chính trị mới làm được như vậy.
- Còn quân đội Philippin đã có cách hành xử hoàn toàn khác với cách
hành xử thụ động và nhu nhược của quân đội VN trong việc bảo vệ chủ
quyền của đất nước trước tham vọng của Bắc kinh, mặc dù quân đội nước
này đang phải chật vật đối đầu với một cuộc nội chiến gây ra từ những
phần tử Hồi giáo và Cộng sản cực đoan.
Quân đội nhân dân VN không phải là bất tài và vô trách nhiệm, nhưng
họ đang bị bịt mắt để phục vụ cho chính sách nhu nhược của đảng CSVN
trong quan hệ với Trung cộng, bằng chứng là hai cuộc chiến tranh với
Trung cộng (1979 trên biên giới Việt –Trung và 1988 tại quần đảo Trường
sa) đã chứng minh điều đó.
Quân đội nhân dân VN đang bị đảng CS trói tay và biến thành công cụ đàn áp nhân dân, có nghĩa là quân đội đã bị đảng CS sĩ nhục.
Việc ông Trương tấn Sang công du Trung quốc lần này với những cam kết
về một sự “hợp tác chiến lược toàn diện” trên tinh thần “đồng chí anh
em” chỉ đẩy đất nước lún sâu hơn vào hiểm họa lệ thuộc ngày càng nhiều
hơn vào Trung cộng mà thôi.
Để bảo vệ đất nước chúng ta cần một chiến lược ngoại giao hợp thời và
khôn khéo cộng với một quân đội hùng mạnh, độc lập và chuyên nghiệp.
Muốn làm được điều đó Việt nam phải “thoát xác” như Miến Điện để phá
vỡ thế cô lập chính trị hiện nay và thoát khỏi quỹ đạo của Trung cộng.
- Dân chủ hóa đất nước để tháo bỏ những rào cản hội nhập thế giới.
- Nâng mối quan hệ Việt – Mỹ lên tầm “ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN” để làm đối trọng với Trung quốc.
Vai trò của quân đội VN ngày hôm nay là góp phần định hình cho tiến trình dân chủ hóa VN.
Tóm lại quân đội muốn giữ được vị trí tôn quý của mình trong dòng
sinh mệnh dân tộc và thực hiện được sứ mệnh trọng đại của mình là phục
vụ Tổ quốc và nhân dân thì quân đội phải độc lập.
Quân đội muốn được tôn quý và độc lập thì phải ủng hộ việc xây dựng
một chế độ dân chủ đa đảng, để không phải lệ thuộc vào bất cứ một đảng
cầm quyền nào.
Quân đội chỉ làm nhiệm vụ quốc phòng và là một động lực để cân bằng chính trị.