Dư luận gần đây bàn tán khá nhiều về sự ra đời của học viện Trần Nhân
Tông và “giải thưởng hòa giải Trần Nhân Tông”. Nhân dịp này tôi cũng
xin mạo muội chia sẻ vài ý kiến.
Đầu tiên, Trần Nhân Tông Academy ra đời trong hoàn cảnh thế
giới chứng kiến và nhiệt thành hoan nghênh những thành tựu đầu tiên của
cuộc hòa giải và thay đổi chính trị ngoạn mục tại Burma, nên xem như sự
ra đời này có thể là một cách “đánh tiếng” về tương lai chính trị Việt
Nam. “Hạ cánh an toàn” và không bị trừng phạt chính là điều họ muốn
người dân dành cho các vị lãnh đạo Cộng sản của chúng ta chăng?
Tuy chẳng dám có xét đoán nào về sở học của các vị giáo sư, tiến sĩ
trong TNT Academy, nhưng xem qua danh sách nhân sự trong tổ chức này tôi
chú ý đến nhiều điểm. Tôi đặc biệt chú tâm đến ông chủ tịch Thomas
Patterson- người đã ca ngợi ông Hồ Chí Minh ngang tầm Washington: “sự vô tư không vị kỉ, sự khiêm tốn mà chúng ta tìm thấy ở cuộc đời Hồ Chí Minh hay George Washington”.
Sự so sánh khập khiễng đầy dụng ý này chắc chắn không phải xuất phát từ
một nhà nghiên cứu vô tư- người có nhiều điều kiện để đạt tri kiến
tường minh về sự thật lịch sử hơn phần lớn nhân loại. Trong TNT Academy
còn có một số vị học rộng tài cao thuộc hàng ngũ trí thức trưởng thành
từ chế độ Cộng Sản hoặc thuộc “thành phần thứ ba” trước năm 1975, cùng
các vị trí thức nước ngoài đặc biệt là ở Harvard, Hoa Kỳ. Các vị thuộc
thành phần thứ 3 và các vị ở Harvard không hiểu sao cứ làm tôi nghĩ tới
phong trào phản chiến, phong trào chống VNCH và ủng hộ Cộng Sản ở
Harvard và Hollywood trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Với trình độ
tri thức trung bình, một người như tôi, thiển nghĩ, cũng có quyền đặt
nghi vấn về những con người này.
Một tổ chức cổ vũ hòa giải mà lại không hề có sự tham gia của thành
phần trí thức từng là nạn nhân Cộng Sản. Các vị có thiện chí hòa giải
thực sự hay không, tôi chưa dám bàn đến, nhưng khi muốn hòa giải thì
điều tối thiểu là phải có đầy đủ các bên liên quan. Ví như có một người A
đánh người B bị thương, muốn hòa giải thì trong bàn hòa giải ấy phải có
anh A và anh B, cả những người bên A và bên B; chứ không thể chỉ có anh
A và những người liên quan đến anh, hay những người bàng quan đứng giữa
(thành phần thứ ba) mà thiếu đi sự có mặt của anh B. Chưa nói đến nội
dung hòa giải và khả năng hòa giải, thành phần của “hội đồng hòa giải”
này cũng khiến người ta ngay từ đầu đã không khỏi nghi ngờ.
Thứ hai, về hình tượng Trần Nhân Tông, theo cách nhìn của cá
nhân tôi, Ngài là một vị vua đáng ngưỡng phục, cả với vai trò người
đứng đầu quốc gia và tư cách một cá nhân bình thường. Với vai trò người
lãnh tụ chính trị, ông đã lãnh đạo cuộc chiến đánh đuổi quân Nguyên
thành công, củng cố sự ổn định của chính sự triều Trần và phát triển
quốc gia. Ông còn là người góp phần mở rộng lãnh thổ nước Đại Việt về
phía Nam. Đứng trên lập trường luân lý công bằng của nhân loại, lấy đất
của nước người không thể gọi là Nhân; nhưng với địa vị của một ông vua
nước Việt, ông không những không đáng trách mà còn là người có công.
Trong chính thể quân chủ, một nguyên thủ quốc gia mà giữ gìn và mở rộng
được quyền lợi của đất nước thì đó đã là một người cai trị thành công.
Điều đáng nói ở đây là có một khả năng không thể tránh khỏi: giá trị tạo
nên một nguyên thủ tốt lại mâu thuẫn quyết liệt với giá trị tạo nên một
con người tốt. Bởi vậy, với vị trí một cá nhân, Trần Nhân Tông đã bỏ
việc chính trị phiền hà để lên núi xuất gia. Điều này cho thấy một sự
nhận thức rõ về thân phận con người trên thế gian và một quyết định dứt
khoát chấm dứt mâu thuẫn giữa một bên là một ông vua bất chấp thủ đoạn
và một cá nhân bình thường, thiện hảo.
Nhìn vào cuộc đời vị vua này, tôi nhận thấy một diễn tiến mỹ mãn, một
kết thúc có hậu và một lựa chọn đứng trên thiên hạ nhưng điều này không
đồng nghĩa với việc tất cả những gì ông làm đều đúng và đều có thể áp
dụng cho thời đại chúng ta. Tên tuổi Trần Nhân Tông tất nhiên xứng đáng
để đặt cho bất cứ học viện nào, nhưng không phải vì “tinh thần Hòa giải”
theo cách mà chúng ta gán ghép cho ông (sẽ nói ở phần sau), mà vì công
lao thực sự đối với đất nước (như là một vị vua và một nhà văn hóa).
Con người là luôn sai lầm nên việc ca ngợi ông như một bậc thánh là
quá miễn cưỡng, ấy là chưa nói đến việc “thánh hóa” ông để làm bình
phong che đậy một dụng ý nào đó. Biến ông thành một tấm gương đạo đức
cao cả để định hướng cho một ý đồ của chúng ta là một hành vi lợi dụng
lịch sử trắng trợn. Ông đã là một nhân vật lịch sử, xin đừng sử dụng ông
trong những vấn đề mà thời đại chúng ta phải đối mặt. Cá nhân tôi luôn
đề cao việc sử dụng những giá trị đương đại để giải quyết những vấn đề
đương đại. Việc sùng bái cá nhân, chẳng có tác dụng giải quyết triệt để
vấn đề hôm nay mà còn gây ra những hệ lụy tai hại trong nhận thức của
công chúng. Chúng ta không cần bất cứ tượng đài cá nhân “hậu Hồ Chí
Minh” nào nữa.
Thứ đến, xin lạm bàn về câu chuyện mà nhà sư Thích Nhất
Hạnh kể về vua Trần Nhân Tông. Chuyện kể rằng, sau khi đánh xong giặc
Nguyên, nhà vua đã cho đốt tất cả các tài liệu bí mật ghi về việc các
cận thần của ông đã hợp tác với quân Nguyên và nói rằng: “Đất nước ta
cần sự hòa giải và hàn gắn chứ không cần sự trừng phạt”. Trước tiên, xin
đừng nhìn mọi việc dưới nhãn quan luân lý dễ dãi. Bởi luân lý là quan
trọng nhưng không phải lúc nào nó cũng là chìa khóa giải quyết vấn đề
của nhân loại.
Thời quân chủ, ông vua chính là luật pháp, là nguyên tắc tối thượng,
ông muốn bắt tội ai thì bắt, tha cho ai thì tha. Một khá năng lớn là:
những người mà nhà vua không trừng phạt và giấu kín cả hành động phản
quốc của họ là hoàng thân quốc thích; cho nên sự ân xá của ông chỉ là
để bảo vệ uy danh của hoàng triều. Quả thật, hành động cá nhân tùy tiện
của một ông vua chính là đặc trưng của chính thể quân chủ chuyên chế. Ở
đây, luật pháp trong tay ông và ý dân có thể là điều ông không cần màng
đến. Dù là một vị vua anh minh, có gì đảm bảo quyết định của ông không
cảm tính, không phù hợp và không vị nể tình riêng?
Trong thời đại pháp trị này, tất cả mọi người, kể cả một nguyên thủ
quốc gia, đều hành xử trong sự điều chỉnh và chế tài của luật pháp. Một
vị nguyên thủ dù tài năng xuất sắc cũng không thể đưa ra những quyết
định tùy tiện và độc đoán. Một kẻ có tội đáng bị trừng phạt phải do pháp
luật quyết định chứ không phải dựa trên quyết định cá nhân của người
cầm quyền.
Không biết câu chuyện ấy có thật hay không và được lấy ra từ tài liệu
lịch sử nào, nhưng dẫu nó là thật thì việc này cũng chỉ cho thấy tính
chất độc đoán của quyền lực quân chủ. Tôi viết những dòng này không nhằm
đả kích cá nhân vua Trần Nhân Tông, mà nhằm chỉ ra cái khiếm khuyết tất
yếu của nền chính trị quân chủ. Và từ đó, sẽ thấy thật vô lý nếu lại
lấy cái giá trị khiếm khuyết đó để áp dụng cho thời đại này, dù nhân
danh Hòa giải hay gì đi nữa. Chúng ta không thể lấy cái luân lý cũ, cái
nguyên tắc cai trị cũ ra để áp đặt vào thời đại mới, lấy một câu chuyện
mang đầy màu sắc quân chủ để cổ vũ hòa giải trong thời pháp trị. Nếu làm
vậy, thì một là chúng ta quá vô lý, hai là chúng ta có ý đồ ám muội.
Còn câu chuyện về hòa giải đã tốn khá nhiều giấy mực và dấy lên nhiều
cuộc tranh luận chưa ngã ngũ, tôi không dám bàn đến, chỉ xin nói rằng:
Nếu anh A đánh anh B bị thương thì còn bàn đến chuyện hòa giải để mang
hai anh lại, cùng ngồi vào bàn nói chuyện với nhau, để anh A nói chuyện
xin lỗi và bồi thường cho anh B. Cần phải lưu ý trong chuyện này, anh A
phải là người chủ động, có thiện chí thực sự, và phải nhận thức được lỗi
lầm của mình. Anh A phải mang tiền thuốc men và thành khẩn đến nhà anh B
nói chuyện hòa giải, để mong anh B khỏi kiện ra tòa; chứ không phải cứ
trịch thượng ngồi nhà, rồi cho người ra đánh tiếng trước cổng nhà, rêu
rao về hòa giải. Còn trường hợp anh A đánh anh B chết thì theo luật
pháp, dù gia đình anh B có muốn tha cho anh A cũng không được, vì hành
vi của anh A lúc này là tội phạm hình sự không chỉ lấy đi tính mạng của
cá nhân anh B mà còn xâm phạm đạo đức và ảnh hưởng nghiêm trọng đến
cách cư xử bình thường của xã hội. Lúc này, vai trò giải quyết vụ việc
phải được giao cho luật pháp, chứ không ai có thẩm quyền bàn đến trừng
phạt hay tha thứ. Sau khi Công lý được thực thi thì mới tính đến chuyện
hòa giải giữa hai gia đình A và B.
Thật vậy, Hòa giải cần một số điều
kiện, mà Công lý là điều kiện không thể bỏ quên.
Để kết thức bài viết, tôi xin chia sẻ rằng: học viện Trần Nhân Tông
có nhiều nhân sự và cố vấn phương Tây, nhưng điều đó không phải là một
bảo chứng hữu hiệu cho uy tín và giá trị của học viện này. Sau buổi trao
giải thưởng vắng mặt cho hai chính khách Burma và những phát hiện của
công luận về việc đưa thông tin không đúng sự thật của tổ chức này, học
viên Trần Nhân Tông xem như đã mở đầu “vở kịch” không được thành công.
Và nhân đó, chúng ta cũng cảm nhận được rằng: uy tín của một tổ chức
không đến từ thành phần nhân sự khoa bảng bằng cấp đầy mình, mà đến từ
thời gian làm việc nghiêm túc trong tinh thần trách nhiệm và tôn trọng
sự thật.
Là một người ít học, ít tuổi nhưng lại hay nói thật những điều mình
nghĩ, tôi rất mong nhận được cái nhìn bao dung từ độc giả. Thành thật
mong rằng, tranh luận không đẩy người ta ra xa nhau mà mang chúng ta đến
gần nhau trong tinh thần mưu cầu sự thật.
Tam Kỳ ngày 15 tháng 10 năm 2012