Các thể chế chính trị trên thế giới có thể được hình thành bằng những
cách thức khác nhau và mang những tính chất khác nhau. Đó có thể là một
chính thể hình thành từ nhu cầu tự thân của một cộng đồng đòi hỏi phải
có một tổ chức mang quyền lực chính trị để quản lý xã hội (như sự thành
lập các Nhà nước dân chủ quân sự đầu tiên thời cổ đại), từ sự kế thừa
các thiết chế chính trị trước đó (như sự hình thành nhà nước quân chủ
lập hiến hiện nay ở Vương quốc Anh), từ một cuộc bầu cử hay cũng có thể
là từ một cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, một cuộc cách mạng lật đổ chế
độ cũ, một cuộc đảo chính nội bộ… Thực tế cho thấy, con đường hình
thành một chế độ quy định một số đặc tính của nó, nhưng điều đó không
có nghĩa là không thể thay đổi được tương lai và bản chất của chế độ
đó.
Tính chính danh
Một chế độ chính trị bước ra từ một cuộc cách mạng lật đổ nếu có đầy
đủ các điều kiện chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội sẽ trở nên chính
đáng. Ngược lại, một chế độ lên nắm quyền bằng một cuộc bầu cử, bằng
những hành động của mình, có thể đánh mất đi tính chính đáng đã có này.
Người dân là chủ thể có thẩm quyền duy nhất để trao cho hay tước bỏ tính
chính danh, chính đáng của một chính quyền.
Dù có xuất phát từ nhu cầu hay tình trạng nào, khi một thực thể chính
trị mang vào mình cái vai trò của một Nhà nước thì bản thân nó phải có
khả năng tự vận động để thực hiện những chức năng bắt buộc, nhằm có được
lý do chính đáng cho sự tồn tại của mình. Nếu thiếu đi những lý do
này, Nhà nước sẽ chỉ tồn tại trong sự bất chính. Những lý do đó là: sự
đồng thuận trao quyền của người dân, sự hoàn thành tốt các chức năng
quản lý và phát triển xã hội của Nhà nước đó, và cuối cùng là sự đảm bảo
trách nhiệm bảo vệ chủ quyền Quốc gia và thiết lập sự hiện hữu hài hoà
của cộng đồng mà nó quản lý với cả cộng đồng nhân loại. Dù được thành
lập theo cách nào, một chính quyền chính danh phải có được những điều
kiện trên, hoặc tiến hành càng sớm càng tốt những thay đổi để có được
những điều kiện đó.
Các chế độ độc tài được kiến lập từ sự trao quyền của người dân
thông qua một cuộc bầu cử mang tính mị dân (như trường hợp cuộc bầu cử
năm 1998 đưa Hugo Chavez của Venezuela lên cầm quyền) thường không có
được những nhận thức sâu sắc về sự kiện trao quyền quan trọng này. Thậm
chí những kẻ độc tài mới trỗi dậy nhờ một cuộc bầu cử mị dân như thế sẽ
cảm thấy đắc ý với những chiêu thức lừa bịp dân chúng ngoạn mục của mình
chứ không phải cảm thấy vinh hạnh vì được lên cầm quyền nhờ sự trao
quyền nghiêm túc bằng cả ý thức và tinh thần trách nhiệm của người dân
như trong chế độ dân chủ tự do thực sự. Vì thế, đối với những kẻ độc tài
này, nhân dân và quyền lực xuất phát từ nhân dân chỉ là một trò cười,
là một thứ để hắn ta lợi dụng.
Ở mức độ nghiêm trọng hơn, các chế độ độc tài được hình thành từ
những vụ “cướp chính quyền” như kiểu cách mà những người Cộng sản Việt
Nam đã làm để lên nắm quyền, càng không nhìn nhận vai trò của sự trao
quyền này bởi cái tâm thức rằng: chính quyền là do họ cướp được chứ
không phải do người dân giao phó cho. Có thể đối với những kẻ độc tài
dạng này, sự trao quyền trọng đại trong các chế độ dân chủ chỉ mang lại
cho họ một cảm quan hài hước, thậm chí là đáng khinh bỉ. Ở đây, quyền
lực chính trị chỉ như một hòn ngọc mà họ đã cướp được sau cuộc hạ sát kẻ
sở hữu trước đây của nó.
Nói chung, đối với các chế độ độc tài, người dân chẳng có vài trò gì
trong các cuộc tranh đoạt quyền lực dù dưới hình thức một cuộc bầu cử
dân chủ mị dân hay bằng phương cách sắt máu. Vì thế khi đã nắm được
quyền lực trong tay, những kẻ chuyên quyền sẽ sử dụng quyền lực và các
nguồn lực Quốc gia như thứ tài sản riêng, bất chấp lợi ích của đại đa
số người dân và vận mệnh của cả dân tộc. Chúng ta đang ở Việt Nam và có
đủ cơ hội để trải nghiệm điều này.
Ấy thế nhưng, bất cứ thực thể nào trong thế giới tồn tại được và có
thể tồn tại lâu dài cũng chỉ vì nó có lý do để đảm bảo cho sự hiện hữu
của mình. Thiếu đi tính chính đáng và sự chính danh thì sự tồn tại này
chỉ là một chuỗi những nỗ lực bám víu khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Bởi vậy, ta không ngạc nhiên khi tất cả các chế độc độc đoán đều sợ bị
lật đổ. Nỗi sợ hãi này xuất phát từ bản chất bất chính của nó. Ngai vàng
đặt trên sự lừa bịp, các vấn nạn xã hội, sự không cân xứng và hài hoà
của các thiết chế xã hội, sự nghèo khổ và mất tự do của người dân… trở
thành một thứ quyền lực đáng thèm khát nhưng đầy bất hạnh của những kẻ
khát quyền lực và của cải bất chính.
Trong tình trạng đầy bất trắc đó, rất khó có thể chối bỏ những giá
trị dân chủ tự do, nhưng thay vì phải thực tâm thực hiện những nỗ lực
thay đổi để sự cầm quyền của mình có được tính chính đáng, những kẻ
chuyên quyền tìm cách tạo nên phiên bản giả mạo của các định chế dân chủ
như chế độ bầu cử (nhưng là Đảng cử dân bầu) và Hiến pháp như ở Việt
Nam ta. Nhưng cái gì cũng có những nguyên tắc chủ đạo dẫn dắt và thể
hiện bản chất của nó. Những trò dối gạt gây hoa mắt không thể biến Gà
thành Công.
Khế ước quyền lực
Như mọi người đều biết, một bản Hiến pháp chính trị đúng nghĩa theo
cách hiểu của chúng ta ngày nay là một khế ước (hợp đồng) trao quyền với
hai bên tham gia, một là người cầm quyền, hai là người dân. Bởi bản
Hiến pháp hiện đại đầu tiên xuất hiện trong Thời đại Khai sáng, sau nỗ
lực giành tự do kiên cường và kiến lập nền Cộng hoà pháp trị cho một dân
tộc non trẻ. Nên khi nói đến Hiến pháp hiện đại, chúng ta mặc nhiên
nghĩ về những đặc tính dân chủ pháp trị của nó. Vì thế, có thể nói, một
bản Hiến pháp không có những quy định về các nguyên tắc chính trị căn
bản nhằm phân chia, cân bằng và kiểm soát quyền lực chính trị; tạo lập
cấu trúc cho một chính quyền tôn trọng tự do của người dân và nền pháp
trị thì chỉ có thể được gọi là một văn bản mang tên Hiến pháp (nếu
người lập ra nó muốn gọi như thế) chứ không phải là một khế ước trao
quyền thực sự.
Chính tính chất của Hiến Pháp như là văn kiện giao phó quyền lực
chính trị từ người dân cho Nhà nước- tổ chức quyền lực thay họ điều hành
đất nước và đảm bảo an toàn, tự do cho họ-đã làm nảy sinh những tiêu
chuẩn bắt buộc trong thủ tục thành hình một bản Hiến pháp hiện đại đúng
nghĩa. Vậy thế nào là một khế ước trao quyền?
Đã nói đến khế ước, tức là chúng ta thừa nhận sự có mặt của các bên
tham gia trong tư thế tự do, tự nguyện và bình đẳng. Người dân muốn tham
gia vào khế ước này trước tiên phải bầu ra những người đại diện cho
mình trong một Nghị hội Quốc gia, để rồi những người này với kiến thức
về luật pháp cũng như trình độ chuyên môn sẽ thay mặt người dân lập ra
một khế ước. Cả hai bên tham gia ký kết khế ước này đều có những quyền
và bổn phận riêng biệt theo nguyên tắc quyền của một bên là bổn phận của
bên kia và ngược lại. Xem xét quá trình hình thành bản khế ước Hiến
pháp này, ta nhận thấy rằng, để đảm bảo cho sự tham gia bình đẳng của
phía người dân thì sự đại diện của các nhân vật dân cử vô cùng quan
trọng. Sự đại diện càng nghiêm túc, tức là Quốc hội thực sự là người đại
diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân, thì bản khế ước càng đảm
bảo quyền lợi cho phía người dân. Làm sao để có sự đại diện nghiêm túc
trong Quốc hội? Câu trả lời chính là phải có một cuộc bầu cử tự do, minh
bạch, công bằng, đa đảng, có sự giám sát của tư pháp, xã hội dân sự và
khu vực truyền thông tự do.
Điều kiện thứ hai cần được nói đến là sự cần thiết bắt buộc của một
cuộc trưng cầu dân ý để phúc quyết Hiến pháp. Đây là một thủ tục pháp lý
đặc biệt và mang tính cưỡng hành để một bản Hiến pháp dân chủ được
thông qua và trở thành văn kiện pháp lý cao nhất của Quốc gia. Một khế
ước có hai bên tham gia, hai bên phải đặt bút ký kết. Và thủ tục phúc
quyết chính là cơ hội để người dân đưa ra quyết định cuối cùng trong
việc giao ước, được coi như là chữ ký của phía người dân quyết định đồng
ý với giao ước đã được lập ra đó.
Theo cách đó, với kiểu cách “Đảng cử dân bầu” hiện nay tại Việt Nam,
Quốc hội không phải là thực thể đại diện cho ý chí người dân mà chỉ là
một cơ quan khác của Đảng cầm quyền. Họ không phải là người đại diện hợp
pháp cho phía người dân thì họ không có đủ tư cách pháp lý để lập ra
Hiến pháp giao ước. Nếu họ tự cho mình cái quyền lập ra giao ước, thì nó
cũng không phải là một giao ước đúng nghĩa. Một khế ước mà từ đầu chí
cuối chỉ do một bên soạn thảo, phê chuẩn nội bộ rồi ban hành, còn người
dân hoàn toàn không biết gì về nội dung của nó cho đến khi nó trở thành
“sự đã rồi”, cả cái quyền đặt bút ký kết (bằng phúc quyết) cũng bị tước
mất, thì bản giao ước này thực chất đã bị giả mạo chữ ký, hay đúng hơn
quá trình này là cả một cuộc tiếm quyền ngoạn mục.
Nếu chính quyền cộng sản Việt Nam không tổ chức một cuộc bầu cử đa
đảng, minh bạch, tự do thực sự để bầu ra cơ quan lập hiến, lập pháp đủ
thẩm quyền pháp lý, và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm phúc quyết
Hiến pháp đó thì thực chất họ không có được sự giao phó quyền lực từ
nhân dân để có đủ tư cách cầm quyền, cũng như lập ra Hiến pháp, luật
pháp.
Quả vậy, những đóng góp cho việc sửa đổi Hiến pháp của một số trí
thức Việt Nam hiện nay vô hình trung mang lại tính chính danh nguy hiểm
cho sự cai trị độc đoán của chế độ; cũng như cung cấp cho cái gọi là
“Hiến pháp” của họ một thẩm quyền giả tạo, để họ có thể tiếp tục cai trị
chuyên quyền và đàn áp đối lập. Tâm huyết và tri thức ấy, oái ăm thay,
lại đang giúp cho chế độ độc tài xoa dịu những nan đề thuộc về bản
chất của chế độ trong bối cảnh sự tồn tại bất chính của nó đang bị đông
đảo các tầng lớp dân chúng chú mục theo dõi trong sự bất bình, qua những
thất bại trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước hay trong chính sách đối
phó với sự xâm phạm chủ quyền quốc gia của Trung Cộng. Thiết nghĩ, vấn
đề chính danh của Nhà nước và Hiến pháp nên được chú trọng trước khi
chúng ta có những hành động xa hơn nhằm đóng góp cho sự thay đổi tích
cực của nước nhà.
Sài Gòn ngày 9 tháng 3 năm 2012