Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Lạm bàn về các Giải thưởng quốc tế

Trước đây, tôi từng nghe truyền thông đưa tin rất nhiều lần, hết năm này đến năm khác, rằng Hoà Thượng Thích Quảng Độ và bác sĩ Nguyễn Đan Quế được đề cử giải Nobel Hoà Bình. Nhưng giải thưởng quan trọng và danh giá này (tôi không dùng từ “cao quý” vì đã có những người không cao quý được nhận giải này), cho đến nay, vẫn ở ngoài tầm tay các nhà hoạt động Việt Nam.



Tôi tin rằng không phải Hoà Thượng Thích Quảng Độ, đặc biệt là bác sĩ Nguyễn Đan Quế, chưa có hoạt động dấn thân, lý tưởng, sự quả cảm và thẩm quyền đạo đức như những khôi nguyên giải này. Là người Việt Nam, sống ở Việt Nam và ở trong lòng cuộc đấu tranh cho tự do này, tôi nghĩ mình có thể đưa ra sự so sánh tương đối như thế.

Vậy tại sao Việt Nam lại chưa có một khôi nguyên Nobel Hoà Bình? Có những nguyên nhân chủ quan và khách quan nào? Và chúng ta cần làm gì? Đây là những câu hỏi không đơn giản. Nhưng trong tầm hiểu biết giới hạn của mình, người viết xin mạo muội nêu ra vài ý kiến đóng góp như sau để nói về hai nguyên nhân chính:

1/ Việt Nam chưa có vị trí quan trọng trên trường quốc tế. Mặc dù đất nước chúng ta giữ một vị trí địa chính trị quan trọng, nhưng trong bối cảnh các siêu cường đang tập trung sự chú ý và sức mạnh vào những khu vực khác, vị trí chiến lược của chúng ta chưa phát huy được tiềm năng của nó. Thậm chí, có thể vì định mệnh này (vị trí chiến lược quan trọng và béo bở trong khi vai trò và sức mạnh chính trị-quân sự thấp kém) mà chúng ta phải chịu tai hoạ, đất nước ta thành tiền đồn, rồi thành con tốt thí trên bàn cờ quốc tế.

Đối với các siêu cường và đặc biệt là các quốc gia Tây phương, Việt Nam chỉ là một quốc gia nhược tiểu, không ai nhớ tên, vì sự hiện diện ít ỏi của nó trong các hội luận quốc tế, và vai trò bé nhỏ, nếu không muốn nói là con số không trong bàn cờ chính trị và cán cân quyền lực quốc tế. 

Một giải thưởng quốc tế, không thể tránh khỏi sự tác động và can thiệp của nhiều phía có uy tín và các  nhánh quyền lực quốc tế. Việc trao giải thưởng cho một nhà hoạt động nào đó ngoài mục tiêu vinh danh những nỗ lực dấn thân và thành quả mà họ đạt được, những người có nhiệm vụ xét giải sẽ cân nhắc, hoặc được nhắc nhở phải cân nhắc, một số điều kiện như: Nếu giải thưởng được trao cho nhà hoạt động ở một quốc gia nào đó, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính quyền, giới trí thức và công luận nước đó, mối quan hệ giữa quốc gia này với thế giới phương Tây có vì thế mà thay đổi tích cực hoặc tiêu cực không? Những nỗ lực trong tương lai của cá nhân này sau khi nhận giải có làm thay đổi xã hội, và từ sự thay đổi xã hội đó, có ảnh hưởng đến  quyền lực chính trị quốc gia và một vài phía trong các mối toan tính quyền lực quốc tế không? Việc trao giải có đáp ứng nhu cầu khuếch trương uy tín và tạo hiệu ứng truyền thông cho các bên quyền lực nhằm tạo dựng một cán cân, một trật tự chính trị mới hay không? …Trường hợp Nobel Hoà Bình cho Lê Đức Thọ  và Henry Kissinger là một ví dụ điển hình.

Một quốc gia độc tài hạng bét như Việt Nam, lại đang chịu thần phục một quốc gia đàn anh khác. Mọi toan tính và chuyển biến từ thượng tầng phải nhận lệnh  từ Bắc Kinh, thì việc trao một giải thưởng quốc tế danh giá như Nobel Hoà Bình cho một nhà hoạt động ở đó mang lại rất ít tác dụng và lợi ích cho phương Tây. Vì những ai khôn ngoan sẽ nhận ra rằng giải quyết vấn đề Việt Nam sẽ chỉ là cắt tỉa phần ngọn vấn đề, trong khi gốc rễ nằm ở Trung Nam Hải kia. 

Bởi nếu quốc tế vinh danh một nhà hoạt động Việt Nam bằng giải Nobel Hoà Bình, Xã hội Dân sự Việt Nam có thể phát triển mạnh, các phong trào đòi dân chủ sẽ nổi lên, dần dần nhà cầm quyền Việt Nam có thể bị đẩy vào thế bị động… Nhưng nếu nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn còn đó thì người đàn em Việt cộng có sắp chết cũng ráng bò dậy đỡ khẩu súng từ tay người đàn anh mà bắn vào người dân của mình. Tôi luôn tin tưởng việc xây dựng Xã hội Dân sự là cần thiết và là vấn đề sống còn đối với công nghiệp trang bị và tạo sức mạnh cho người dân nhằm xây dựng nền dân chủ hậu cộng sản; nhưng sự giải thể chế độ độc tài này gắn liền với vận mạng của Trung Cộng và cán cân quyền lực quốc tế ở Thái Bình Dương nhiều hơn.

2/ Trở lại vấn đề giải Nobel Hoà Bình, nguyên nhân thứ hai là: Các nhóm vận động quốc tế của Việt Nam chưa đủ mạnh và chưa có đủ khả năng đi vào dòng chính của hoạt động xã hội dân sự cũng như chính trường quốc tế để vận động có lợi cho đất nước mình.

Chỉ có các tay mơ mới nghĩ rằng, việc trao các giải thưởng danh giá là do quốc tế hiểu rất cặn kẽ, theo dõi rất sát sao về tình hình một đất nước và biết rất rõ về  cá nhân người được đề cử. Mọi khôi nguyên của các giải thưởng quốc tế lớn đều có những cá nhân  hoặc tổ chức có uy tín quốc tế, có năng lực vận động và có đội ngũ làm việc trực tiếp, thường xuyên với quốc tế, đề cử và vận động hành lang và trưng đủ bằng chứng để thuyết phục Uỷ ban xét giải. Nghĩa là sự trao giải này cũng đáp ứng được những tính toán của các bên: những phía có thẩm quyền tác động và can thiệp, những nhóm có quyền lợi liên quan… Xin lưu ý là, không có một định chế nào trên thế giới được tạo ra hoàn toàn chỉ vì những mục tiêu lý lưởng. Thế giới này không là thiên đàng, nên có một khoảng cách rất lớn giữa lý tưởng và các thiết chế tương ứng của nó.

Trước khi một giải thưởng được cấp hằng năm, hồ sơ đề cử đã được thảo luận và hoàn tất trước đó ít nhất là một năm. Một nhóm vận động sẽ đề cử các cá nhân dưới trướng mình, hoặc làm việc cho mình. Họ thu thập mọi tài liệu và thông tin cần thiết  và không tránh được tình trạng thổi phồng thành tích của cá nhân mình đề cử, rồi trình lên Uỷ ban xét giải. Tổ chức vận động càng có ảnh hưởng quốc tế thì người được họ đề cử sẽ có nhiều khả năng nhận giải. Bởi vậy, giải thưởng có khi không trao cho người xứng đáng, nhưng tổ chức vận động đề cử thì hoàn toàn xứng đáng vì tổ chức đó đã thành công trong việc chứng tỏ họ có khả năng vận động và can thiệp. Trường hợp giải Nobel Hoà Bình được trao cho Obama cũng vậy, Obama không xứng đáng nhưng thế lực vận động cho ông đủ sức mạnh, và họ xứng đáng vì họ có uy lực quốc tế.

Con số trí thức và các nhà hoạt động Việt Nam có khả năng can thiệp vào các thảo luận quốc tế rất ít; các tổ chức vận động của người Việt có tầm ảnh hưởng quốc tế lại hầu như không có. Các cá nhận người Việt có uy tín quốc tế không phải không có, nhưng uy tín đó là uy tín cá nhân và trong công tác can thiệp, cá nhân không bao giờ làm việc hiệu quả như  một tổ chức. 

Qua những phân tích về nguyên nhân Việt Nam chưa có khôi nguyên Hoà Bình, chúng ta có thể áp dụng để giải thích một cách hợp lý về các giải thưởng quốc tế danh giá khác, dù tầm mức nghiêm trọng có thể hơn kém nhau rất nhiều.

Chúng ta cũng cần tỉnh táo để không hy vọng quá nhiều rằng quốc tế đến hôm nay mới thực sự chú ý đến hồ sơ nhân quyền Việt Nam và họ sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề của chính chúng ta. Không phải vậy! Họ đã chú ý từ rất lâu, chỉ là chúng ta chưa có những tổ chức đủ mạnh để thuyết phục họ về uy tín và tiềm lực của mình thôi. Và dù chúng ta có nhiều tổ chức mạnh thì công việc cần thiết nhất không phải là vận động các giải thưởng mà là tạo nội lực cho khối quần chúng đang sợ hãi và yếu đuối.

Từ lâu nay, có nhiều cá nhân hải ngoại lẫn quốc nội đã nỗ lực không mệt mỏi vận động nhân quyền cho Việt Nam, đưa hồ sơ nhân quyền Việt Nam lên Liên Hợp quốc và các CSOs bảo vệ nhân quyền quốc tế, mang lại phúc lợi thực sự cho các nạn nhân Nhân quyền. Nhưng xin lưu ý là, cá nhân thì không có sức mạnh ảnh hưởng như tổ chức. Tôi tin rằng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có nhiều khối, nhiều nhóm hoạt động hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu đa nguyên của một khối dân số khá lớn (chín chục triệu người) và ngăn chặn khả năng chính trường Việt Nam tương lai bị thao túng bởi một hoặc một vài nhóm mạnh nhất, dù họ thuộc đảng phái nào, đảng ABC hay khối chống ABC…

Chúng ta cần nỗ lực để ngày càng có nhiều tổ chức hoạt động quy cũ, đưa thông tin về Việt Nam ra bên ngoài, mở rộng uy tín của các tổ chức người Việt ra tầm quốc tế, có khả năng vận động và ảnh hưởng  quốc tế, có nhiệt tâm tổ chức và tạo sức mạnh cho người dân trong nước… Như vậy, không những các nhà hoạt động nhân quyền của chúng ta đều được ủng hộ, bảo vệ và vinh danh, chúng ta có nhiều diễn đàn quốc tế để nói lên tiếng nói của người Việt, mà còn trang bị để Việt Nam có đủ khả năng ngăn chặn một chế độ độc tài hậu cộng sản (vì thật nguy hiểm nếu chỉ có một hoặc một vài phe nhóm mạnh thao túng tất cả). Xin minh định rằng, sự đoàn kết không nằm ở chỗ chỉ có một khối thống nhất mà chính là ở chỗ các cá nhân và tổ chức tranh đấu cùng làm việc vì một giá trị chung tốt đẹp.

Tôi không chú trọng đến sự xứng đáng hay không của một cá nhân, nhưng điều tôi trăn trở là: đằng sau cá nhân ấy là một tổ chức mạnh đến mức độ nào và họ có thực sự tranh đấu vì phúc lợi của người dân Việt Nam hay không? Vài dòng đóng góp ý để quý độc giả không choáng váng hoặc thất vọng vì các  lần “chiếu cố khó hiểu” của một tổ chức quốc tế dành cho các nhà hoạt động Việt Nam; công việc của chúng ta là tiếp tục làm việc phục vụ cho mục tiêu tối hậu là tự do, an sinh và nhân phẩm cho hơn chín chục triệu người dân đang nằm dưới ách độc tài, chứ không phải cho bất cứ một phe nhóm nào.

Huỳnh Thục Vy
Buôn Hô, 17/4/2015