Tôi luôn có một cảm nhận đặc biệt khi so sánh gương mặt những người phương Tây và người Việt chúng ta. Người phương Tây sở hữu nét tự nhiên, lạc quan và tự tin khác hẳn chúng ta. Ngay cả trẻ con phương Tây cũng tự tin và sống động hơn trẻ con xứ mình. Tôi tin rằng sự tự tin sáng ngời trên gương mặt họ xuất phát từ thực tế là từ lúc được sinh ra, đi học, bước vào đời, họ nhận được sự tôn trọng và bảo vệ cần thiết để sống và phát triển cá nhân.
Không dễ dàng để một sớm một chiều đạt được những thiết chế tốt đẹp như các quốc gia dân chủ tự do, nhưng trong lúc còn giằng co khó khăn với chế độ độc tài để giành Dân chủ, chúng ta có thể thay đổi chính bản thân và gia đình mình trước. Xã hội sẽ tiến bộ nếu từng tế bào của nó trở nên mạnh mẽ. Chế độ độc tài sẽ không đứng được nếu đại đa số gia đình Việt Nam xứng đáng có tự do.
Hôm nay là ngày của cha. Tuy không phải là ngày kỷ niệm truyền thống của người Việt nhưng nó cũng nhắc nhớ tôi nhiều về chuyện cha mẹ và con cái ở Việt Nam. Nhiều năm trước đây, ở quê tôi có mấy người con gái lấy chồng phương Tây, cái cảnh người chồng Tây bế con để vợ thong thả đi một mình làm tôi thực sự xúc động. Việc ấy trái ngược hẳn với cảnh các đôi vợ chồng Việt Nam thường thấy trên xe bus: người vợ mệt mỏi nôn thốc nôn tháo cũng phải bế con suốt chặng đường dài, còn phải tay xách nách mang đủ thứ khác; người chồng thì thong thả ngồi đọc báo trên xe hoặc thỉnh thoảng gắt lên vì vợ để con khóc; thực sự thì anh ta không bế con được vì đứa trẻ không để bố bế (trẻ con chỉ để người thường chăm sóc và đùa giỡn với mình bế bồng).
Tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng ngoài vài nét chấm phá tươi sáng ít ỏi, bức tranh gia đình Việt Nam là vậy, đặc biệt ở vùng nông thôn. Hình ảnh người cha trong mắt trẻ con Việt Nam luôn đáng sợ. Dù chúng có yêu thương và kính trọng cha thì vẫn có một khoảng cách lớn giữa tâm hồn con trẻ và cha nó. Sự thiếu đồng cảm, cảm thông và chia sẻ từ nhỏ đã tạo khoảng cách không thể lấp đầy trong mối quan hệ cha con. Tôi từng nhiều lần nhìn thấy một người cha trước mặt bạn bè mình tát tới tấp ba bốn cái vào đầu đứa con gái sáu bảy tuổi. Các bà mẹ tỏ ra hoàn toàn nhu nhược khi chồng đánh con. Hoặc họ bênh con, tỏ ra giận dỗi, lớn tiếng với chồng; hoặc họ đồng tình với cách hành xử của chồng. Cách nào thì cũng là biểu hiện của sự yếu thế. Họ không có đủ quyết tâm và nghiêm khắc để chấm dứt tình trạng đánh con trẻ, trong khi vẫn có cách dạy dỗ con thích hợp hơn.
Tự đáy lòng, các ông hay đánh con thử hỏi chính mình xem: Chúng ta có quyền đánh con không? Nếu ở một quốc gia tự do thì việc đánh con của các ông sẽ dẫn đến hậu quả gì? Tại sao những người bạn ở Hoa Kỳ của các ông không dám đánh con? Trẻ con ở Hoa Kỳ và trẻ con ở Việt Nam có sự khác biệt về giá trị không? Chúng ta chỉ dám đánh người không thể chống cự sao? Xin thưa, trẻ con yếu thế và dễ bị tổn thương, hành xử bạo lực với con cái chính là một biểu hiện của sự đàn áp kẻ yếu.
Những cái đánh vỗ nhẹ vào mông, vào tay thì có thể tạm chấp nhận được. Nhưng nhiều ông bố (bà mẹ) đi quá xa trong việc dùng roi vọt để dạy dỗ con cái. Trong nhiều trường hợp, việc đánh con chỉ là cách để chúng ta xả những căng thẳng, uất ức hay bực bội trong cuộc sống ngột ngạt này. Có ông bố nào hay đánh con dám phủ nhận là không có lúc họ đánh con vì bực bội chuyện khác và lỗi lầm của con cái chỉ là cái mồi lửa kích cho “cục tức giận” của ông phát ra? Thực ra, lỗi lầm của trẻ con thường vặt vãnh và ít nghiêm trọng, khó có thể đẩy chúng ta đến cơn thịnh nộ nếu chúng ta không đồng nhất hoá lỗi lầm nhỏ nhặt đó với những bực tức mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống. Dạy con trong sự nghiêm khắc và bình tĩnh khác xa với kiểu cách đánh con trong cơn thịnh nộ. Lúc nổi cơn tức giận, chính bạn để mình bị cảm xúc kéo đi thì bạn có thể dạy điều gì tốt cho con trẻ? Tự hỏi lòng mình, chúng ta trút những buồn bực của mình lên con cái có bất công không? Chúng ta đã chọn cách sinh chúng ra, không ai ép buộc chúng ta nhận lấy trách nhiệm làm cha mẹ cả; vậy bạn than thở vì khổ cực, bạn bực tức vì khó khăn trong công việc, rồi trút giận lên con cái, đó có phải là cách cư xử của người tự nguyện nhận lãnh trách nhiệm làm cha mẹ không?
Câu "thương cho roi cho vọt” không còn dùng được trong một xã hội tiến bộ tôn trọng nhân quyền nữa. Người xưa đã mặc định: cha mẹ luôn thương yêu và muốn dạy dỗ con tiến bộ. Đó hoàn toàn là sự mặc định sai lầm. Người Tàu xưa có câu: “hổ dữ không ăn thịt con” nhưng thực tế có những trường họp ngoại lệ đáng kinh ngạc: Hán Lưu Bang ba lần đẩy con trai và con gái xuống xe cho xe nhẹ để kẻ thù khỏi đuổi kịp. Quả tình, đa số cha mẹ thương con nhưng không hiếm trường hợp cha mẹ ruột ngược đãi con mình một cách tồi tệ. Nhiều trẻ em miền Tây Nam bộ nước ta bị cha mẹ bán cho những tên trùm chăn trẻ để buộc trẻ em đi ăn xin khắp đường phố Sài Gòn. Còn nhiều kinh nghiệm đáng cảnh giác hơn nữa. Khẳng định “cha mẹ thương yêu con cái” do đó không phải lúc nào cũng đúng. Bởi vì hoài nghi điều này, luật pháp ở các xứ tự do mới tạo rào cản hưũ hiệu để người ta không lạm dụng vai trò cha mẹ mà xâm phạm quyền trẻ em.
Nếu chúng ta muốn con cái mình lớn lên trở thành những người tự tin, tự lập thì ngay từ khi các em còn nhỏ hãy chứng minh cho các em thấy các em được tôn trọng và bảo vệ ngay trong chính gia đình mình. Mỗi khi các ông muốn đánh con hãy kiềm chế để suy nghĩ: nếu trước mặt các ông không phải là một đứa trẻ yếu đuối, không có khă nang chống cự mà là một thanh niên lực lưỡng, các ông có dám để cho nỗi tức giận của mình trở thành bạo lực không? Các bà vợ cũng vậy, hãy là người mạnh mẽ để bảo vệ bản thân và con cái khỏi bạo lực gia đình. Luật pháp của quốc gia độc tài này không bảo vệ được các chị thì các chị hãy dùng chính sự mạnh mẽ, quả quyết và sự thông minh cần thiết để bảo vệ mình và con cái. Trước khi chúng ta có được một quốc gia phồn thịnh, chúng ta hãy xây dựng một gia đình hạnh phúc trước đã. Nếu không thể có gia đình hạnh phúc, thì không để ai phải bị tổn thương. Ngày của cha, xin chúc các ông, các anh vui vẻ và sống xứng đáng là một người cha đáng tự hào, một người bạn gần gũi của con cái chứ không phải là một ông vua trong gia đình khiến vợ con sợ hãi. Xin hãy sống xứng đáng là con người văn minh và bỏ lại phía sâu những dấu vết của một thứ văn hoá bán khai.
Huỳnh Thục Vy
Buôn Hô 21/6/2015
Buôn Hô 21/6/2015