Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Vài suy nghĩ từ chuyện hôn nhân đồng giới


Những ngày gần đây, thế giới mạng xôn xao vì việc Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua luật chấp nhận Hôn nhân đồng tính. Động thái này ở Hoa Kỳ đã tác động đến nhiều cộng đồng trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Hôm nay người viết xin nhấn mạnh nhu cầu phân biệt rõ ràng nhất có thể vài khái niệm sau đây để những cuộc tranh luận về vấn đề này không đi vào nguỵ biện:


1/ Đạo đức và Luân lý

Hai khái niệm này không phải là MỘT, như người nhiều người vẫn nghĩ. Chúng đều được dùng để chỉ các quy tắc hành xử của con người dựa trên sự phân biệt đúng/sai, nhưng ngoại diên lẫn nội hàm của chúng hoàn toàn khác biệt. Đạo đức mang tính nhân loại phổ quát dựa trên “common sense”, bền vững theo thời gian và không gian, được chấp nhận bởi hầu như tất cả loài người. Còn Luân lý thì thay đổi theo văn hoá, tôn giáo và thời đại. Sau đây là vài ví dụ. Nói đến lòng Nhân ái, hầu như tất cả mọi người bình thường, vượt qua mọi biên giới quốc gia, tôn giáo, và thời đại lịch sử, đều chấp nhận đó là đức tính tốt đẹp của con người, vì đó chính là đạo đức. Nói đến “tam tòng tứ đức” ta nghĩ ngay đến chuẩn mực cho nữ giới Á Đông thời xưa; thời đại ngày nay, người ta không chấp nhận điều này nữa; thứ quy tắc thay đổi theo thời gian đó chính là Luân lý. Thời các bộ tộc dã man hoặc bán khai, loạn luân được chấp nhận bình thường, nhưng trong thế giới văn minh hôm nay, đó điều đáng ghê tởm. Như thế, chúng ta mới thấy được sự đúng sai về luân lý là vô cùng tương đối.


Nhiều người Công giáo cho rằng việc luật hoá chấp nhận Hôn nhân đồng tính là trái với Luân lý. Xin thưa, đó là Luân lý của riêng người Công giáo. Chúng ta chỉ có thể dùng luân lý của tôn giáo mình để răn dạy người trong đạo mình, còn khi đưa ra những phát biểu mang tính quốc gia hoặc quốc tế, chúng ta không thể cố chấp vào luân lý tôn giáo. Vì sao như thế? Thế giới đa dạng, chứa nhiều nền văn hoá, nhiều tôn giáo khác biệt, vì thế cũng có nhiều hệ thống luân lý khác nhau, mà đôi khi phủ nhận nhau. Nếu chúng ta cố chấp vào luân lý của mình và cho rằng chỉ có nó mới là tốt đẹp, duy nhất đúng và cần áp dụng phổ quát khắp nhân loại; thì mặc nhiên chúng ta sẽ đẩy mình đến chỗ bất dung tôn giáo. Và kiểu bất dung tôn giáo này sẽ đẩy đến nhiều hệ luỵ khủng khiếp như nó đã từng xảy ra trong lịch sử và vẫn đang từng ngày dày xéo nhân loại trong những góc xa xôi của thế giới ngày nay.


Khi nói đến Luân lý, chúng ta ngay lập tức phải đặt cho nó giới hạn văn hoá, tôn giáo và thời đại; vì vậy, không có lý do gì để chúng ta đưa nó lên tầm vóc quốc gia hay nhân loại. Cần nhận thức rằng, những giá trị chúng ta tin và tuân thủ là những điều của riêng lương tâm mình và của cộng đồng tôn giáo mà mình đang góp mặt, chứ không phải là giá trị chung cần tất cả mọi người tuân thủ. Trong các lễ nghi tôn giáo và sinh hoạt của cộng đồng tôn giáo, chúng ta có thể mang các chuẩn mực luân lý tôn giáo ra để nói với nhau. Nhưng khi tham gia đời sống xã hội rộng lớn hơn, chúng ta phải để chỗ cho đạo đức phổ quát, cho tiếng nói bao dung được phát ra. Thật nguy hiểm nếu một người mang vai trò xã hội hoặc trọng trách quốc gia lại đi tuyên xưng niềm tin luân lý của mình trong một không gian chính trị xã hội chứa nhiều hệ thống luân lý khác biệt. Ví dụ, với tư cách cá nhân, một ông Tổng thống có thể nói về niềm tin luân lý của mình trong nhà thờ, nhà chùa…; nhưng với tư cách một nguyên thủ quốc gia, ông không nên cổ xuý cho bất cứ giá trị tôn giáo, văn hoá hay sắc tộc nào vì ông không quyền được đứng trên cái nền móng luân lý riêng khi thực hiện một nhiệm vụ chung. Một nguyên thủ mà lại muốn áp đặt luân lý tôn giáo của mình toàn khắp đất nước thì cái mà ông ta đạt được không gì hơn ngoài sự tan vỡ hoàn toàn các lực lượng gắn kết quốc gia.


Nhiều người trong chúng ta dường như luôn nhập nhằng giữa con người cá nhân và con người cộng đồng, giữa luân lý cá nhân và đạo đức phổ quát. Chúng ta có thể tin và luôn tâm niệm rằng Hôn nhân là thiết chế do Thiên Chúa tạo dựng, nhưng chúng ta không có quyền đứng trong không gian chính trị xã hội đa nguyên để khẳng định nó; vì khi bạn bắt xã hội, nhà nước và luật pháp phải thể hiện luân lý của mình, thì ta phải đặt những hệ thống luân lý khác ở đâu? Một người Tây Tạng, Bhutan hay Nepal sẽ không thể nào hiểu được tại sao Hôn nhân lại là một định chế của Thiên Chúa, vì rõ ràng họ đã lấy nhau, sinh con đẻ cái hàng ngàn năm nay mà không hề tin có sự tồn tại hay nhận thấy sự can thiệp của Thiên Chúa. Cũng tương tự như vậy, một người châu Âu Tin Lành hay Công giáo không thể nào chấp nhận được niềm tin của người Phật giáo rằng sau khi bạn chết bạn sẽ đầu thai trong một kiếp sống mới. Khi đặt mình vào vị trí của những người khác tôn giáo, chúng ta mới thấy rõ sự vô lý của việc áp đặt luân lý. Rõ ràng, để con người sống chung trong thịnh vượng, tiến bộ và giảm thiểu mâu thuẫn, phải khoan dung tôn giáo. Khoan dung không phải là không ghét bỏ, mà là không khẳng định luân lý của mình mang tính duy nhất đúng trong không gian công cộng. Với tư cách cá nhân, chúng ta có quyền tuyên xưng niềm tin của mình nơi công cộng, nhưng không có quyền buộc không gian công cộng phải mang dáng dấp luân lý của mình.



2/Luật pháp và Luân lý

Như đã nói ở trên, thế giới tồn tại nhiều nền văn hoá và tôn giáo, do đó, có nhiều hệ thống luân lý khác nhau. Sự khác biệt này cũng tương tự trong một quốc gia. Bởi vậy, con người văn minh không chọn cách bất cứ chuẩn mực luân lý nào làm nền móng cho sự chung sống cộng đồng; vì điều này sẽ dẫn đến những va chạm và thậm chí là sự đổ máu không có hồi kết. Chủ nghĩa tự do, hệ thống dân chủ và nền pháp trị cho thấy sự nhận thức sâu sắc về điều đó; vì vậy luật pháp quốc gia mới là chuẩn mực chung cho mọi người trong quốc gia. Luật pháp không hoàn hảo, cũng như bất cứ sản phẩm nào của con người (kể cả Luân lý), nhưng ít nhất nó tạo điều kiện cho sự chung sống hoà bình và bao dung, vì nó được đặt trên nền tảng đạo đức nhân loại phổ quát chứ không phải một hệ thống luân lý riêng biệt nào. Mỗi người có quyền giữ niềm tin tôn giáo của mình, nhưng các vấn đề quốc gia và sự hợp tác dân sự phải được đặt trên một bình diện có thể bao dung mọi tôn giáo, văn hoá và lợi ích, đó là luật pháp.


Con người phải chung sống và hợp tác để thăng tiến, nhưng lại quá khác biệt về văn hoá và tôn giáo; bởi vậy, tất cả sẽ đi đến ngõ cụt của sự tan vỡ nếu để luân lý của bất cứ văn hoá hay tôn giáo nào chiếm thế thượng phong. Luật pháp trong một nền pháp trị công minh là trọng tài để điều hoà các mâu thuẫn tôn giáo, va chạm văn hoá, và sự sai khác về quyền lợi của các cộng đồng người. Khi nói đến luật pháp, chúng ta không xem xét nó có phù hợp với luân lý mà chúng ta đang nắm giữ hay không, mà là, nó có bảo vệ cho tự do cá nhân hay không. Nhà nước và luật pháp không đại diện cho bất cứ ai, bất cứ cộng đồng nào để phán xét đúng sai về luân lý, công việc của nó là tạo ra rào cản hợp lý để bảo vệ tự do cá nhân khỏi sự đàn áp của tập thể. Nguyên tắc của dân chủ là đa số nhưng bản chất của nó sẽ bị tha hoá nếu nó không bảo vệ được quyền của thiểu số.



Đối với một vài tôn giáo, chuyện đồng tính luyến ái và hôn nhân đồng giới là không chấp nhận được, nhưng đó là chuyện của luân lý tôn giáo. Nhà nước không dùng luân lý mà dùng luật pháp; mà đối với luật pháp, vấn đề đồng tính luyến ái, cũng tương tự như việc uống rượu và hút thuốc. Nhà nước của đa số không có quyền cấm, không phải vì nó tốt đẹp và có lợi ích; mà chỉ bởi, nếu chúng ta ủng hộ để Nhà nước được trao quyền phán xét cái gì tốt/xấu để cho phép/ không cho phép thiểu số làm/không làm, nghĩa là các công dân tự do đang nỗ lực để đẩy lùi nền dân chủ tự do. Nhà nước không có quyền tước bỏ tự do cá nhân nhân danh điều tốt cho chính người ấy, vì nếu hôm nay nhà nước làm được như thế, việc cấm đoán sẽ không dừng lại ở đó. Chúng ta có thể cho rằng: cho phép hôn nhân đồng giới là tự do quá trớn, là không tốt, nhưng đến một lúc nào đó, một nhà nước độc tài xuất hiện sẽ ném chính câu đó vào mặt chúng ta.


Thứ nữa, nếu chúng ta nghĩ rằng, điều gì trái với luân lý cần bị cấm, thì xin hỏi, ai là kẻ được trao cho cái quyền phán xét đúng/sai đó? Nhà nước, nhà thờ hay nhà chùa? Khi nhà nước giữ thêm vai trò phán xét luân lý, nó đích thị là nhà nước thần quyền mà lịch sử đã lên án và loại bỏ trên phần lớn bề mặt địa cầu. Nhà nước kết hợp thế - thần quyền của Iran áp dụng luật Hồi giáo trên đất nước họ, cho phép luật pháp được giải thích dưới cái nhìn luân lý Hồi giáo, đã khiến Iran trở thành cái ổ khủng bố Nhân quyền khét tiếng. Nhìn lại quá khứ châu Âu thời trung cổ, khi Nhà thờ và Nhà nước là một khối thực thể cộng sinh, khi đó Nhà thờ có quyền phán xét cái gì đúng/sai, họ đại diện Thiên Chúa để trở thành người giữ độc quyền chân lý, họ can thiệp vào vai trò quản lý xã hội của Nhà nước, điều đó khiến lịch sử châu Âu đầy những trang đẫm máu với toà án dị giáo và chiến tranh tôn giáo. Ngày nay, Miến Điện với Phật giáo gần như quốc giáo, các tăng lữ Phật giáo được chính quyền quân phiệt hỗ trợ đã thể hiện sự bất dung của họ đối với cộng đồng Hồi giáo, một số tăng lữ còn đẩy sự bất dung thành những tuyên bố mang tính kích động bạo lực, điều này đã đẩy hàng ngàn người Hồi giáo ra biển tìm nơi dung thân. Chúng ta có biết rằng để thế giới có diện mạo như hôm nay, nhiều thế hệ con người đã đổ máu để đấu tranh cho tinh thần khoan dung tôn giáo và Nhà nước thế tục? Bởi vậy, xin đừng lấy luân lý tôn giáo mà phán xét luật pháp, đơn giản luật pháp và luân lý không cùng chung vai trò xã hội.


Tạm kết

Nền dân chủ có những khiếm khuyết, luật pháp tự do có những bất toàn, nhưng đó là điều phải chấp nhận, vì nếu không dựa vào chúng thì chúng ta dựa vào đâu để xây dựng một đất nước tự do và thịnh vượng. Có con đường nào khác sao? Cuộc tranh luận về luật hôn nhân đồng tính cho thấy không ít những lỗ hổng về tư tưởng của người Việt chúng ta khi mà chúng ta tự cho mình là người đấu tranh cho tự do và nhân quyền. Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ lâu đời, dù Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nói gì, phản đối như thế nào, đó hoàn toàn là quyền tự do ngôn luận của họ, không ảnh hưởng đến chính sách và luật pháp nước này. Trong khi đó, Toà án tối cao Hoa Kỳ mới là thành trì bảo vệ một Hiến pháp tôn trọng nhân quyền, bảo vệ tự do cá nhân và giới hạn quyền lực Nhà nước. Tôi treo cờ sáu màu cầu vồng trên facebook của mình không phải vì tôi cho rằng hai người đồng giới yêu nhau và kết hôn là tốt đẹp, mà vì tôi tin rằng luật pháp có trách nhiệm bảo vệ tự do cá nhân cho người thiểu số. Và những ai cho rằng tự do cá nhân cần bị kiềm chế để không trở nên thái quá, xin thận trọng, vì lý luận này không khác những luận điệu của chính quyền độc tài mà chúng ta đang chán ghét."


Huỳnh Thục Vy
Buôn Hô, 3/7/2015