Thỉnh thoảng tôi tự hỏi rằng mình có nên
tiếp tục viết về đề tài chính trị chăng? Đối với nhiều người , chính
trị có vẻ như là một vấn đề quá lớn lao-điều mà thường không dành cho
những người còn quá trẻ. Mặc dù có nhiều người chia sẻ với tôi, nhưng
cũng không ít người cho rằng tôi không nên đi sâu vào đề tài này vì rằng
những gì tôi đã viết có vẻ như không xuất phát từ một cái đầu của con
bé hai mươi lăm tuổi. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và tự hỏi rằng chính trị
có phải chăng là một miền tri thức và lĩnh vực hoạt động chỉ dành cho
các chính trị gia chuyên nghiệp hoặc ít ra cũng là dành cho các bậc
trưởng thượng?!
1/ Những biểu hiện tiêu cực của chính trị
Lúc nhỏ khi vẫn còn là một cô bé con,
trong đầu óc mơ hồ của tôi, chính trị là một cái gì đó rất phức tạp và
nguy hiểm, nó làm mỏi trí nghĩ của những người không chuyên và rằng
chính trị là ấu trĩ, là phiêu lưu, là cực đoan, là “bẻ gậy chống trời”.
Vì cuộc sống của gia đình tôi đã bị đẩy vào tình trạng cực kỳ tồi tệ sau
cái bản án “chính trị phạm” mà nhà cầm quyền đã tuyên cho ba tôi. Chính
trị là cái gì, làm sao nó tốt đẹp được trong khi người ta dùng nó để
đày đọa con người đến chỗ khốn cùng và có thể là đến cái chết?!
Lớn lên chút nữa, tôi mang vào tâm trí
ngây thơ của mình những cuộc tranh giành quyền lực, những cuộc đổi thay
triều đại đẫm máu trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Trung Hoa và Liên Xô
“thành trì xã hội chủ nghĩa” qua những trang sử tan tóc. Tôi thực sự
cảm thấy hãi hùng về cái cách mà con người đối xử với nhau nhân danh
chính trị .
Chúng ta vẫn nghĩ rằng làm chính trị là
mua bán đổi chác (kể cả quê hương đất nước) để thủ lợi cho riêng mình
hay cho phe nhóm của mình nhưng lại nhân danh những lý tưởng cao
quý….Ví như việc hàng triệu thanh niên thiếu nữ miền Bắc ruột thịt đã
được động viên nhân danh ý thức hệ và “lòng yêu nước” của những người
cộng sản để rồi tiến vào miền Nam gieo chết chóc tan thương thực tế chỉ
để phục vụ cho mưu đồ quyền lực của một nhóm nhỏ người lãnh đạo….Trong
cái trí nghĩ non nớt của tôi và có lẽ cũng là của biết bao bạn trẻ khác
đầy cảm giác sợ hãi và ghê tớm chính trị.
Trong chương trình đại học, chúng tôi
được dạy rằng Nhà nước ra đời từ một xã hội có các giai cấp mâu thuẫn
đối kháng nhau, là một tổ chức đặc biệt do giai cấp thống trị sử dụng để
tổ chức và thực hiện quyền lực chính trị của giai cấp mình.Và rằng
chính trị là hoạt động liên quan đến quyền lợi giai cấp, dân tộc, quốc
gia và xoay quanh một vấn đề trung tâm là giành, giữ và sử dụng quyền
lực Nhà nước. Từ những hiểu biết đó, bao thanh niên Việt Nam thường có
cảm giác bất an khi đề cập đến chính trị, đến nỗi nếu có ai đó muốn
khẳng định mình “tốt đẹp” thì người đó phải chứng minh rằng mình không
quan tâm, không dính dáng gì đến chính trị vì chính trị là hoạt động của
những kẻ đầy dã tâm, là “kẻ thù giai cấp”.
Và gần đây những vụ án chính trị xảy ra
liên tiếp ở Việt Nam trong giai đoạn từ khi bắt đầu thế kỷ 21 đến nay mà
nhà cầm quyền sử dụng hết công suất những phương tiện truyền thông đại
chúng để bêu riếu, hạ nhục những con người yêu nước, tô vẽ họ như những
nhân vật “bất hảo”, kẻ thù của dân tộc như Linh mục Nguyễn Văn Lý, luật
sư Nguyễn văn Đài, luật sư Lê thị công Nhân. Nhà cầm quyền Việt Nam với
những ưu thế của mình (một thứ ưu thế bất công) đã chụp lên đầu những
nhà hoạt động dân chủ này những tên gọi khủng khiếp làm cho những ai
thiếu thông tin (nhất là những người trẻ ) hoảng sợ, và không ít người
có một cái nhìn ngờ vực, khó hiểu về những con người cao quý này; làm
cho họ hoài nghi không dám tin vào bất cứ điều gì cao đẹp.
Từ cuối năm 2010 đến nay, nhà cầm quyền
VN siết chặt vong kiềm tỏa đối với trang mạng xã hội Facebook, vậy là
nhiều người đã lên tiếng đỗ lỗi cho những ai bàn đến vấn đề chính trị:
“Nếu các người không bàn đến chính trị thì sao người ta phải chặn
Facebook, làm ảnh hưởng đến cả chúng tôi?” Và rằng mỗi khi có ai bức xúc
lên tiếng chỉ trích, phê phán nhà cầm quyền thì liền bị cho là “những
kẻ ăn khoai lang mà bàn chuyện quốc gia đại sự”. Chúng ta nhận thấy rõ
ràng một sự từ chối thẳng thừng từ đại đa số người dân đối với vấn đề
chính trị. Nó trở thành vấn đề nhạy cảm không chỉ bởi khi đề cập đến nó
anh sẽ “khó sống” mà còn bởi người ta muốn khẳng định mình là người con
người trong sáng, bình dị, đợn giản và không có tham vọng.Tôi từng nghe
nhiều người bạn nói không thích chính trị vì chính trị là xảo trá và
chính trị gia là những kẻ khốn nạn.
Hôm nay, tôi viết bài này mong đưa ra
một vài ý kiến khã dĩ để ủng hộ cho chính trị (kể cả những người hoạt
động chính trị của các tổ chức ,đảng phái và những người chỉ có bày tỏ
một thái độ chính trị) trước sự chối bỏ của mọi người và cũng nhằm tạo
sự chính danh và một căn bản đạo đức cho những ai đã, đang và sẽ bàn
luận và hoạt động về chính trị.
2/ Hai quan điểm lý luận khác nhau về chính trị
Từ “chính trị” có lẽ được nhắc đến lần
đầu tiên trong lịch sử nhân loại bởi Aristotle-một triết gia Hi Lạp cổ
đại, đặc biệt nó còn là tựa đề cho một tác phẩm nổi tiếng và nhiều ảnh
hưởng của ông –cuốn “Politics” (Chính trị luận). Tuy nhiên từ “Chính
trị” và các vấn đề chính trị cơ bản như quyền lực và tổ chức nhà nước đã
được tiếp cận bởi các triết gia khác như Khổng Tử, Plato….Dù Aristotle
đã khẳng định con người là động vật chính trị, mọi công dân có đạo đức
(không có nô lệ và phụ nữ) đều có quyền tham gia chính trị, nhưng một
điểm chung lớn trong lý luận của các triết gia cổ đại này là quyền lực
chính trị tốt nhất nên được nắm giữ bởi những ông vua thông thái! Vì thế
chính trị ở đây có nghĩa là nghệ thuật cai trị và quản lý thành bang
của một nhà lãnh đạo lỗi lạc, xuất chúng hay là Khoa học giành và nắm
giữ vương quyền cha truyền con nối trong thiên hạ. Dưới nhãn quan này
đại bộ phận dân chúng bị gạt ra bên lề của các cuộc chơi chính trị. Rồi
khi có được quyền lực trong tay những kẻ cầm quyền đã tạo nên bao nhiêu
sự tha hóa, mục ruỗng trong bộ máy lãnh đạo và bao nhiêu vấn nạn quốc
gia mà hậu quả của tất cả vấn đề này đổ cả lên đầu người dân.Từ đó mặc
nhiên chính trị được hiểu như một thứ xấu xa, là đặc quyền của kẻ thống
trị, đối kháng với lợi ích và cuộc sống bình dị của người dân.
Nhưng nền văn minh nhân loại đã bước qua
một trang mới hoàn toàn khác, cùng với sự ra đời của nhiều luận thuyết
cổ vũ cho chủ nghĩa tự do. Mà một sự cổ vũ to lớn cho lý tưởng này là sự
ra đời của một nhà nước hiến pháp đầu tiên trên thế giới-Nhà nước Mỹ.
Từ đây cả thế giới làm quen với một lý thuyết hoàn toàn mới về nguồn gốc
và bản chất của Nhà nước, rằng nhà nước không phải là một thế lực thống
trị xã hội mà chính là một tổ chức quyền lực công, được người dân trao
cho quyền lực để đổi lại họ được sống dưới sự bảo vệ của Nhà nước và một
trật tự luật pháp do Nhà nước ban hành (luật pháp không trái với đạo
đức và luân lý); và rằng quyền lực chính trị đó không thể là quyền lực
tuyệt đối vì “quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến
tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton ). Dưới nhãn quan triết học này, quyền
lực chính trị xuất phát từ dân chúng, nó được tạo lập để phục vụ xã hội.
Chính trị là nghệ thuật hay khoa học vận hành và quản lý xã hội bằng
quyền lực Nhà nước nhưng nó phải bị hạn chế bằng luật pháp và được giám
sát bởi người dân thông qua các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo.
Như vậy người dân mọi thành phần có đủ tư cách để tham gia gián tiếp vào
nền chính trị quốc gia bằng những hoạt động xã hội cụ thể của mình;
quyền tự do báo chí cho phép người dân phát biểu quan điểm của mình đối
với tất cả các vấn đề của quốc gia; hơn nữa mọi công dân đủ tiểu chuẩn
pháp quy đều có khả năng tham gia vào hoạt động quản lý Nhà nước một
cách trực tiếp. Từ nay chính trị chẳng còn là vương quyền cha truyền con
nối, cũng chẳng còn là đặc quyền của những người thuộc tầng lớp quý
tộc.
3/Thái độ và hành động của chúng ta
Chúng ta đã từng gán ghép cho chính trị
những đặc tính tiêu cực. Chính trị chỉ là một thiết chế do con người tạo
ra. Con người không hoàn hảo và đặc biệt là luôn tư lợi nên quyền lực
chính trị luôn dễ bị lạm dụng. Xa lánh và căm ghét chính trị không phải
là thái độ tích cực, chúng ta cần thiết nhận ra rằng điều duy nhất chúng
ta có thể làm được đó là tạo lập một cơ chế vận hành mà ở đó người lãnh
đạo dù chẳng phải là con chiên ngoan đạo của Chúa Jesus, cũng không
phải là một tín đồ Phật giáo thuần thành thì anh ta cũng không dám làm
những việc đi ngược với lợi ích nhân dân.
Đến nay, lý tưởng tự do dân chủ đã trở
thành một giá trị phổ quát toàn cầu. Vì những giá trị lý luận và thực
tiễn không thể chối bỏ của nó trong hệ thống chính trị quốc gia nói
riêng và trong việc thăng tiến nền văn minh nhân loại nói chung, ngày
nay khắp thế giới người ta tung hô nó, nhân danh nó. Ngay cả những tên
độc tài cũng cố gắng tổ chức những cuộc bầu cử hoành tráng. Bởi sự thắng
thế của quan điểm triết học theo chủ nghĩa tự do như đã nói trên, nên
dù có lý luận thế nào chúng ta cũng không thể phủ nhận sự cần thiết và
chính danh của việc tham gia vào sinh hoạt chính trị của mọi tầng lớp
nhân dân.Tôi trao quyền cho anh thì tôi phải có quyền kiểm soát anh, tôi
phải được biết anh làm gì và làm như thế nào với quyền lực đó. Còn nếu
như anh nói anh đã cướp được chính quyền từ tay ngoại bang thì anh muốn
hành xử thế nào cũng được thì chính anh đã khẳng định mình là một tên
cướp. Chúng ta-những người dân thường trao quyền cho họ rồi cứ để họ làm
gì thì làm, chà đạp lên quyền làm chủ, phủ nhận quyền tự do và phẩm
giá của chúng ta thì chúng ta có khác gì những người nô lệ bán mình vô
điều kiện cho chủ nô?!
Từ lúc sinh ra, cuộc sống của chúng ta
đã được định hình, chúng ta mặc nhiên nhận lãnh vào mình một phần trách
nhiệm đối với quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Chúng ta khép mình vào
một trật tự chung của xã hội. Tất cả mọi sinh hoạt của chúng ta đều liên
quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chính trị. Bạn nghĩ là bạn tảng lờ đi
thì chính trị nó không chạm được vào cuộc sống của ban sao? Dù bạn có ý
thức được hay không, có chấp nhận hay không, khi bạn là một thành viên
của một cộng đồng người sống dưới sự cai quản của một tổ chức mang quyền
lực Nhà nước thì tất tần tật mọi thứ trong cuộc sống của bạn không thể
tránh khỏi ảnh hưởng của nền chính trị. Vì thế cứ lặng im, mặc cho kẻ
cầm quyền lộng hành chính là chúng ta đã “giao trứng cho ác”, chúng ta
đã tự nguyện khoán trắng cuộc sống và tương lai của chúng ta cho những
kẻ chẳng ra gì. Vậy chúng ta đã thật sự làm chủ và có trách nhiệm đối
với chính cuộc sống chúng ta chưa?! Trong bài này, tôi không muốn nhân
danh Tổ quốc, dân tộc nữa, tôi muốn nhân danh cuộc sống của chính tôi để
khẳng định rằng tôi và mọi người dân Việt Nam có quyền tham gia chính
trị, không phải để trở thành ông nọ bà kia mà để đảm bảo cho xã hội
phát triển theo xu hướng tích cực vì lợi ích trước mắt và lâu dài của
tất cả chúng ta, để ngăn chặn kẻ cầm quyền không đưa cả dân tộc trong đó
có chúng ta đến bờ vực. Chúng ta có tư cách để ít nhất là có thể bàn về
chính trị nhằm mưu cầu một cuộc sống tự do, sung túc và an ninh với tất
cả phẩm giá con người.
Thay cho lời kết, tôi muốn nhắn nhủ rằng
nếu bạn chối bỏ chính trị rồi có ngày bạn sẽ hối hận vì điều đó. Nếu
bạn không sợ hãi, không lo lắng cho an ninh của bản thân và gia đình thì
mọi lúc mọi nơi bạn luôn có thể bàn về chính trị với một sự tự tin rằng
bạn là chủ thể của quyền lực Nhà nước, bạn tham gia bàn bạc và thực
hiện các quyền chính trị là để thúc đẩy tiến bộ và phúc lợi xã hội. Đừng
sợ hãi trước những cáo buộc của người khác rằng chính trị không dành
cho bạn và chính trị là khốn nạn hay nghiêm trọng hơn là ”phản
động”.Thực hiện các quyền chính trị tức là bạn đã làm trách nhiệm công
dân; phơi bày và phê phán những xấu xa của nhà cầm quyền là biểu hiện
của tinh thần trách nhiệm; lên tiếng cổ vũ cho tự do dân chủ là một hành
vi cụ thể của lòng yêu nước.
Tam Kỳ ngày 11 tháng 01 năm 2011