Xã hội dân sự là một thuật ngữ xuất hiện
từ thế kỷ 16 nhưng đến thế kỷ 18 nó mới trở nên phổ biến trong triết
học chính trị, đặc biệt là trong chủ nghĩa tự do. Vì thế nó chẳng phải
là một khái niệm mới mẻ gì ở các quốc gia dân chủ pháp trị. Nhưng trong
những các nước độc tài, nhất là độc tài cộng sản thì cụm từ nay rất ít
khi được nhắc đến. Hiện nay, trong các văn bản chính thức của Nhà nước
và các tài liệu dành cho giáo dục thì nó hoàn toàn không được đề cập. Vì
thế đối với khái niệm này, nhiều người Việt Nam cảm thấy rất xa lạ.
Đây không phải một thuật ngữ cao siêu gì
và tôi cũng không có ý cho rằng kiến thức của người Việt ta hạn hẹp.
Điều mà tôi muốn chia sẻ ở đây là tại sao người ta lại xa lạ với một
thiết chế mà đáng lẽ ra phải rất gần gũi và rất tự nhiên đối với bất cứ
một cộng đồng người nào?! Vì nhân loại từ thời chưa có sự xuất hiện của
Nhà nước đã nhận thức được tầm quan trọng của đời sống cộng đồng, để bảo
vệ cuộc sống và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhu cầu sinh hoạt của chúng ta trong một tập thể là nhu cầu rất tự nhiên, vì khi con người sinh hoạt trong một tập thể sẽ thấy bản thân mình có ích cho cộng đồng, nhận được sự chia sẻ của mọi người đối với tâm tư nguyện vọng của mình và góp phần tạo nên một khối người có sức mạnh nhất định để có những hành động cụ thể trong đời sống xã hội.
Nhu cầu sinh hoạt của chúng ta trong một tập thể là nhu cầu rất tự nhiên, vì khi con người sinh hoạt trong một tập thể sẽ thấy bản thân mình có ích cho cộng đồng, nhận được sự chia sẻ của mọi người đối với tâm tư nguyện vọng của mình và góp phần tạo nên một khối người có sức mạnh nhất định để có những hành động cụ thể trong đời sống xã hội.
1/Những mô tả chung về xã hội dân sự
Xã hội dân sự là một tổng thể các tổ
chức và định chế dân sự tự nguyện, tự vận hành và tự quản, là một mảng
hoạt động của xã hội mang tính tập thể, khác biệt và độc lập với Nhà
nước và thị trường. Các tổ chức xã hội dân sự được đặc trưng bởi tính
“phi chính phủ” và “vô vị lợi” bởi sự tách biệt với các cấu trúc quyền
lực Nhà nước và hoạt động không nhằm mục tiêu lợi nhuận như các tổ chức
kinh tế tài chính. Đó là một vũ đài riêng biệt cho các thành viên cùng
chia sẻ các mối quan tâm, mục đích và giá trị chung.
Ngày nay, các tổ chức xã hội dân sự khắp
nơi trên thế giới tồn tại dưới hình thức các hiệp hội, hội từ thiện,
công đoàn, phong trào xã hội, phong trào tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp
và hội luật gia… Chúng chỉ hoạt động dưới sự ràng buộc của pháp luật và
các giá trị văn hóa, hoàn toàn không bị chi phối bởi các Nhà nước.
Đặc tính tự quản, tự nguyện và không
mang tính cưỡng chế của quyền lực chính trị giúp cho xã hội dân sự thực
sự là môi trường để mọi người dân bày tỏ quan điểm, trình bày suy tư
nguyện vọng trong mọi mặt của đời sống xã hội. Chính ở đó, cá nhân nhận
được cơ hội thể hiện tư duy dân chủ và bộc lộ nhân cách dân chủ qua việc
phát biểu quan điểm cá nhân, chấp nhận khác biệt, thảo luận để đạt được
sự đồng thuận, và thể hiện tinh thần trách nhiệm. Chính từ những cá
nhân này, các phong trào và tổ chức dân sự trở nên những hoạt động linh
hoạt và có đủ sức mạnh nội tại để đóng góp vai trò của mình trong xã hội
như: sáng kiến pháp luật, hoạch định chính sách, giám sát hoạt động của
chính quyền và thực hiên phản biện xã hội. Vì vậy, không quá lời khi
nói rằng xã hội dân sự là lĩnh vực xã hội đại diện cho quyền lợi người
dân, thể hiện sức mạnh làm chủ của người dân để đối trọng với quyền lực
Nhà nước. Xã hội dân sự tạo nền tảng cho nền dân chủ và ngược lại các
thiết chế dân chủ sẽ củng cố và tạo điều kiện phát triển cho xã hội dân
sự. Từ tính chất và vai trò đó, xã hội dân sự là một vũ đài không thể
thiếu trong một xã hội văn minh, và là biểu hiện cơ bản của nền dân chủ
thực sự, góp phần tạo dựng một xã hội năng động, phồn vinh và nhân bản.
2/ Hiện tình xã hội dân sự ở Việt Nam
Những người cộng sản khắp nơi trên thế
giới nói chung và những người Cộng sản Việt Nam nói riêng đã bắt gặp chủ
nghĩa cộng sản khi sống ở châu Âu- những xứ sở của xã hội dân sự và nền
pháp trị. Họ tuyên bố sẽ đào mộ chôn chủ nghĩa tư bản thì chắc chắn họ
hiểu rất rõ đối phương. Họ hiểu được nguyên tắc nền tảng của một nền dân
chủ với vai trò rất quan trọng của xã hội dân sự. Tuy vào cuối thế kỷ
19 đầu thế kỷ 20, nền dân chủ ở những quốc gia thuộc thế giới thứ nhất
chưa đạt đến trạng thái như chính nó ngày nay.
Trước khi giành được chính quyền, những
người cộng sản Việt Nam đã lập nên nhiều hội đoàn như: Đoàn Thanh niên
phản đế, Công hội, Hội cứu tế bình dân… hoạt động trong lòng chế độ thực
dân Pháp để tạo cơ sở cho việc truyền bá tư tưởng cộng sản, kết nạp
thành viên mới và tập hợp sức mạnh quần chúng (những người nông dân hiền
lành, chất phác chẳng biết cộng sản là cái giống gì). Họ hiểu biết rất
rõ sức mạnh mà các tổ chức quần chúng này tạo nên, đồng thời cũng biết
rõ tính hợp pháp của các tổ chức này vì dưới chế độ thực dân Pháp ít ra
người dân ta còn có được quyền tự do lập hội.
Vì thế khi giành được quyền cai trị
đất nước, đưa miền Bắc từ năm 1954 và cả nước từ sau năm 1975 vào quỹ
đạo cộng sản, họ đã không để mình phạm “sai lầm” khi biết rõ cái nguồn
gốc sức mạnh quần chúng có thể đánh đổ chế độ; nên thay vì phân quyền,
họ có cái gọi là tập trung dân chủ, tam quyền thống nhất; thay vì tạo
điều kiện cho xã hội dân sự phát triển họ biến những tổ chức này thành
công cụ (ngay cả giáo hội cũng là giáo hội “quốc doanh”) để kiểm soát
đời sống người dân từ những hoạt động nhỏ nhất.
Các nhà lý luận cộng sản khẳng định các
tổ chức xã hội là một bộ phận của hệ thống chính trị, mà trong đó Mặt
trận Tổ quốc là thiết chế quan trọng nhất. Mặt trận này là một tổ chức
liên hiệp của các tổ chức xã hội có uy tín và có sức mạnh nhất, nó bao
gồm nhiều tổ chức thành viên như : Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ
nữ, Công đoàn… Điều 9 Hiến pháp 1992 đã sửa đổi khẳng định: “Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở của chính quyền nhân
dân”. Mới thoáng nghe mọi thứ có vẻ như rất dân chủ vì họ khẳng định như
vậy có nghĩa là các tổ chức xã hội có quyền lực chính trị, là một bộ
phận trong hệ thống chính trị kia mà! Nhưng không, người cộng sản rất
giỏi chơi chữ. Thay vì để cho Mặt trận Tổ quốc được hoạt động tách biệt
với chính quyền, họ kéo nó vào hề thống chính quyền, hoạt động dưới sự
lãnh đạo của đảng Cộng sản. Việc quản lý, tuyển dụng nhân sự, chính
sách lương bổng và ngân sách cuả Mặt trận Tổ quốc do Nhà nước cộng sản
quyết định và chu cấp. Các cá nhân lãnh đạo của Mặt trận được gọi là cán
bộ, các nhân sự khác thì được gọi là công chức. Vậy thì hầu như toàn bộ
các tổ chức xã hội quan trọng nhất của Việt Nam nằm trong hệ thống
chính quyền, nó hiển nhiên đại diện cho quyền lực Nhà nước chứ không còn
là mảng hoạt động dân sự theo ý nguyện của người dân nữa. Vậy thì lấy
gì để mà đối trọng với chính quyền?! Nhưng thê thảm hơn là tuy Mặt trận
Tổ quốc và các tổ chức thành viên nằm trong hệ thống chính trị được danh
nghĩa trao cho những quyền lực chính trị nhất định nhưng thực chất các
tổ chức này là cánh tay nối dài của Đảng cộng sản chứ không có thực. Còn
các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác như các đoàn luật sư thì hoạt động
dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền. Thêm vào đó là sự siết chặt
gọng kiềm của chính quyền đối với quyền tự do lập hội theo thể thức
xin-cho. Theo Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 về tổ chức,hoạt
động và quản lý hội thì các hội, hiệp hội hoạt động trong phạm vi cả
nước hoặc liên tỉnh đều do Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập và phê
duyệt điều lệ hội. Điều đó có nghĩa là việc thành lập một hội đoàn mới
mà mục đích hoạt động có liên quan đến những vấn đề bị cho là có ảnh
hưởng xấu đến quyền lãnh đạo của Đảng là điều không thể thực hiện được;
hoặc nếu có thành lập được thì cũng sẽ bị đưa ra ngoài vòng pháp luật
bất cứ lúc nào khi có những hoạt động phản kháng xảy ra. Vì vậy không
ngoa chút nào khi chúng ta nói rằng Việt Nam không có xã hội dân sự.
Từ sau cái gọi là “đổi mới” năm 1986,
Việt Nam hội nhập vào sân chơi quốc tế nhất là về thương mại, văn hóa,
giáo dục. Nhiều tổ chức phi chính phủ thế giới đến hoạt động tại Việt
Nam. Nhưng họ chỉ hoạt động như những tổ chức từ thiện, nói cách khác là
họ chỉ đi giúp Việt Nam xử lý nhất thời những hậu quả xã hội do nền
chính trị độc tài và nền kinh tế yếu kém tạo ra. Còn các hội đoàn của
chúng ta thì im hơi lặng tiếng, không những không giúp gì được nhiều cho
đời sống cộng đồng mà còn làm hao tổn ngân sách quốc gia cho những hoạt
động thường xuyên của họ chỉ để làm mỗi một việc là tuyên truyền cho
Đảng cộng sản và kiểm soát những động thái của người dân. Mặc dù đã có
những bước chuyển mình trong xã hội dân sự Việt Nam thời gian gần đây
qua những phong trào phản kháng của giáo dân, những cuộc biểu tình của
sinh viên nhưng nói chung xã hội dân sự Việt Nam còn quá yếu ớt và nhỏ
bé.
3/Xã hội dân sự và đấu tranh bất bạo động
Những nhà đấu tranh cho dân chủ Việt Nam
trong và ngoài nước hiện nay đang cổ vũ cho phương pháp đấu tranh bất
bạo động. Phải công nhận rằng đây là một phương pháp đấu tranh nhân bản.
Ngày trước, Marx đã cổ vũ cho “bạo lực cách mạng” trong những thể chế
mà ta có thể đạt được sự thay đổi và giải quyết mâu thuẫn xã hội một
cách ôn hòa bằng đấu tranh bất bạo động thông qua các tổ chức dân sự
hoặc các phong trào quần chúng. Đó chính là một sai lầm to lớn của ông.
Ngày nay, người dân Việt Nam đang sống dưới một chế độ độc tài, không có
xã hội dân sự theo đúng nghĩa, thì chúng ta lại cổ súy cho đấu tranh
bất bạo động (tôi không muốn nói chúng ta phải đấu tranh bạo động) thì
tôi cảm thấy ở đây rõ ràng có một trục trặc rất lớn.
Mahatma Ganhdi sở dĩ có thể dùng phương
thức “bất hại” để đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ từ thực dân Anh vì
Ấn Độ thời ấy tuy là một nước thuộc địa, nhưng nó vẫn được chia sẻ những
giá trị về nền pháp trị và sự hoạt động tự do của xã hội dân sự do “mẫu
quốc” mang lại. Martin Luther King, Jr. đã thành công trong cuộc tranh
đấu đòi quyền bình đẳng cho người da đen ở Hoa Kỳ, đưa đến sự ra đời của
Đạo luật Dân quyền năm 1964 và Đạo luật về Quyền bầu cử năm 1965, vì
chính cái chế độ mà ông đã sống bản thân nó có cơ chế dân chủ, có khả
năng thay đổi và hoàn thiện bằng những phong trào dân sự của quần chúng,
miễn là nó đi kèm với sự đấu tranh kiên trì.
Bởi vậy, theo thiển ý của tôi, chúng ta
phải chắc chắn rằng Việt Nam có xã hội dân sự mạnh mẽ khắp đất nước,
chúng có đủ sức mạnh nội tại để đối trọng với quyền lực Nhà nước, mà bất
cứ một phản ứng tiêu cực nào từ phía chính quyền đều không thể thực
hiện được khi nổ ra một phong trào đấu tranh; hoặc là cục diện thế giới
và khu vực có khả năng tác động đến thái độ và hành động của nhà cầm
quyền cộng sản khiến họ lo lắng cho tương lai của chính họ mà không thực
hiện những biện pháp đàn áp cứng rắn. Nếu không, mọi cuộc tập hợp dân
sự phản đối chính quyền sẽ bị đàn áp không thương tiếc!!
Từ nay cho đến lúc chúng ta xây dựng
được những phong trào quần chúng và các tổ chức xã hội có đủ sức mạnh,
tôi không biết là mất bao nhiêu thời gian; cho đến lúc đó tình hình thế
giới và khu vực có những biến chuyển gì tác động to lớn đến tình hình
chính trị Việt Nam hay không? Và chúng ta phải làm gì để khởi động hiệu
quả các phong trào quần chúng hay các tổ chức xã hội dân sự đó? Đó là
câu hỏi tôi luôn thắc mắc. Và hôm nay xin gởi câu hỏi này đến cho những
nhà dân chủ tiền bối-những người có đủ khả năng hoạch định những chiến
lược đấu tranh dân chủ đúng đắn cho Việt Nam.
Tam kỳ ngày 05 tháng 12 năm 2010