Mấy hôm nay định viết một bài về Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ nhưng không
biết phải viết gì, vì những bài viết về ông đã quá nhiều. Hôm qua, nhân
đọc cái note “Về sự sợ hãi”
từ blog “Thích học Toán” của Giáo sư Ngô Bảo Châu về Tiến sỹ Vũ, cảm
thấy không thể không viết vài lời để nói lên những suy nghĩ của mình.
Bắt đầu bài viết ngắn của mình, giáo sư Châu nói rằng: “Tôi vốn
không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng
không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần
đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường”. Mượn
lời ông, tôi cũng muốn nói rằng tôi không đặc biệt hâm mộ giáo sư Ngô
Bảo Châu, và vì thế không bị lòng ngưỡng mộ chi phối đến nỗi không thể
viết một bài phản biện bài viết của ông.
Ngay từ lúc bắt đọc cái note này của ông, tôi cứ ngỡ như mình đang
đọc một bài báo của một nhà báo ở New York Times, chứ không phải là của
một người Việt Nam. Ông đã viết với giọng văn quá khách quan đến nỗi tôi
cảm thấy ông là một người “ngoài cuộc”, nghĩa là ông đứng trên lập
trường của một người không gắn cuộc sống, sinh mệnh và trách nhiệm của
mình với cái đất nước này. Có lẽ lúc viết ông chỉ nhằm viết sao cho nó
khách quan, không bị quan điểm chính trị chi phối. Nhưng đối với một
người viết, tôi nghĩ điều quan trọng là mình làm sao để diễn đạt cái
quan điểm chủ quan của mình với tinh thần tôn trọng sự thật và trách
nhiệm, vậy là đủ. Thật sư tôi chưa hiểu lắm khi giáo sư Châu cho rằng :
“Những lý lẽ ông (Ts Hà Vũ) đưa ra tôi (Gs Châu) cũng không thấy có tính
thuyết phục đặc biệt”. Câu này hơi mâu thuẫn với câu tiếp theo: “Nhưng
với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không
tầm thường”. Và nếu không phải là mâu thuẫn thì sự kết hợp của hai câu
này cũng tạo cho người đọc cái cảm tưởng có căn cứ rằng ông Châu khẳng
định những hành động của Tiến sỹ Hà Vũ mang nhiều tinh thần dũng cảm và
lòng nhân hơn là tính hợp lý và trí tuệ.
Tôi không nghĩ như giáo sư Châu, qua những sự kiện nổi bật liên quan
đến tiến sỹ Vũ từ trước đến nay, chúng ta có thể thấy những việc ông đã
làm không những sáng suốt, hợp pháp, hợp lòng người, mà còn thể hiện hài
hòa tinh thần trách nhiệm với lòng yêu nước, lòng nhân ái với dũng lược
của một sĩ phu. Thử điểm lại vài hành động nổi bật mà tiến sỹ Vũ đã làm
trong sự soi sáng của trí tuệ và lòng can đảm.
Ngày 11 tháng 6 năm 2009, ông gửi đơn kiện TT Nguyễn Tấn Dũng về việc
ký quyết định cho phép Trung Quốc khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên.
Trong việc này ông đã hoàn toàn đúng khi cho rằng ông Dũng đã lạm dụng
quyền lực và vi phạm pháp luật khi ký quyết định mà không thông qua Quốc
hội. Theo luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam, những dự án cấp tỉnh,
vùng như dự án bauxite Tây Nguyên trước khi được cho phép thực hiện, chủ
dự án phải lập báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược cùng với thủ tục
lập báo cáo, thẩm định và phê duyệt báo cáo rất kỹ lưỡng. Trong đó, sự
tham gia của các tầng lớp dân chúng, đặc biệt là các chuyên gia về môi
trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng và không thể thiếu trong Hội đồng
thẩm định báo cáo ấy. Mọi phê duyệt của cơ quan chức năng phải dựa vào
kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định. Nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng đã
ký quyết định mà không có bất cứ báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược
nào. Ngoài ra ông ta còn vi phạm một số luật khác. Với tư cách là một
công dân, ông Vũ có quyền kiện thủ tướng. Sau thảm họa bùn đỏ ở
Hungary, tất cả chúng ta đều có lý do vững chắc để khẳng định việc phản
đối dự án bauxite của Nhóm bauxite Việt Nam, mà ông Vũ là cố vấn luật
pháp là việc làm hoàn toàn chính đáng, hợp pháp và với tính thần trách
nhiệm công dân cao.
Cũng trong năm 2009, ông Cù Huy Hà Vũ đã viết bài tố cáo Tòa án Đà
Nẵng đã vi phạm nhân quyền nghiêm trong khi mang tướng Trần Văn Thanh
đang bị hôn mê do tai biến ra xét xử, đề nghị cách chức và truy tố ông
Chánh án Tòa án Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận về “tội làm nhục người khác” và
“tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật”.
Ngày 14/9/2010 Tiến sĩ Hà Vũ lại có đơn kiện TT Nguyễn tấn Dũng về
việc ban hành Nghị định số 136/2006/NĐ-CP cấm công dân khiếu nại tập
thể, trái Hiến pháp và Pháp luật. Rồi cũng trong năm 2010, văn phòng
luật sư của hai vợ chồng ông đã dũng cảm nhận lời bào chữa cho sáu giáo
dân Cồn Dầu bị truy tố với tội danh ”chống người thi hành công vụ và gây
rối trật tự công cộng”. Ông Vũ cũng nhiều lần trả lời phỏng vấn trên
các đài thuộc kênh thông tin tự do, yêu cầu xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, tố
cáo nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm các quyền tự do dân chủ của công dân
mà cụ thể là tố cáo Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục An ninh Trung tướng Vũ
Hải Triều về tuyên bố của ông Vũ Hải Triều đã đánh sập 300 trang mạng.
Đó là vài sự kiện nổi bật liên quan đến hoạt động đấu tranh bảo vệ
môi trường và nhân quyền của tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ. Những việc ông làm
đều dựa trên luật pháp (dù nền luật pháp Việt Nam hiện nay còn vô số
điều đáng nói), hợp nhân tâm và đúng với thông lệ quốc tế. Thử hỏi khắp
Việt Nam này, có mấy người dám làm những việc trọng đại với tri thức
phong phú và tấm lòng rộng rãi như ông. Vậy mà không hiểu giáo sư Ngô
Bảo Châu đã có ý gì khi nói: “Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy
có tính thuyết phục đặc biệt”?
Trong phiên tòa 4/4 vừa qua, Hồi đồng xét xử vụ án ông Cù Huy Hà Vũ
đã vi phạm trắng trợn điều 214 Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam khi họ
từ chối công bố các tài liệu được cho là chứng cứ chống lại ông Vũ. Về
điều này giáo sư Châu cho rằng: họ cẩu thả, “làm cho xong việc” và sợ
hãi tranh luận.
Thứ nhất, tôi đồng ý với ông giáo sư khi ông cho rằng ở đây có sự sợ
hãi tranh luận. Nhưng có lẽ ông chưa nói đầy đủ khi cho rằng Hội đồng
xét xử sợ tranh luận. Hội đồng xét xử là người của chế độ, trước phiên
tòa, họ là người đại diện cho chế độ, nói lên tiếng nói và bảo vệ quyền
lợi chế độ. Vậy thì khi họ sợ hãi tranh luận thì điều đó cũng có nghĩa
là cái chế độ này sợ hãi. Về cả mặt lý luận tư tưởng lẫn thực tiễn khách
quan, sự tồn tại của chế độ này là cả một điều nghịch lý to lớn. Có ai
không sợ hãi khi công lý, lòng người và sự thật không đứng về phía mình,
dù kẻ đó có trong tay hàng ngàn đại bác, xe tăng, và hàng triệu Công
an, Quân đội? Có ai không sợ hãi khi đối diện với một nhân cách lớn, một
con người đại diện cho lòng dân, cho sự tiến bộ, đã tranh đấu hết mình
cho công lý và sự thật, đặc biệt là khi gần đây một số chế độ độc tài
lần lượt sụp đổ khi sự tồn tại không hợp lòng dân của họ đã đến đoạn
đường cuối? Cả chế độ này đã, đang và sẽ sợ hãi những người con đất Việt
đầy tài năng trí tuệ và có đủ cả sự can trường như ông Vũ, chứ không
chỉ có mấy ông Thẩm phán và Hội thẩm tép riu.
Thứ hai, tôi không thể nào đồng ý khi giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng,
Hội đồng xét xử đã cẩu thả trong việc xét xử. Họ không hề cẩu thả, thậm
chí còn rất cẩn thận. Hơn nữa, tất cả mọi diễn tiến và kết quả ở bất cứ
một phiên tòa nào ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các phiên toà liên
quan đến chính trị đều được xem xét ở hậu trường rất cẩn thận, nghĩa là
mọi thứ đã được ngầm thỏa thuận và quyết định ở hậu trường trước khi
phiên tòa bắt đầu. Các phiên tòa chỉ là một màn kịch, một trò hề công lý
diễn ra cho công luận xem chơi. Hãy suy xét bằng tư duy logic để thấy
rằng người ta không cẩu thả như giáo sư Châu nói. Trước tiên, Hội đồng
xét xử là người phục vụ (và có liên đới quyền lợi với) chế độ, làm sao
họ cẩu thả khi xét xử một vụ án liên quan đến uy tín và động chạm nghiêm
trọng đến quyền lợi chế độ? Thứ nữa, khi bất cứ việc gì được sắp xếp từ
trước thì chắc chắn nó luôn được xem xét cẩn thận bởi nhiều người với
sự chỉ đạo thống nhất từ cấp trên; chỉ khi nào một phiên tòa được diễn
tiến tự nhiên (như các phiên tòa dưới hệ thống Thông luật Anh- Mỹ chẳng
hạn), không có sắp đặt trước thì khi sai sót xảy ra chúng ta mới có thể
quy kết cho trình độ chuyên môn và mức độ cẩn thận của Thẩm phán. Theo
tôi, phiên tòa xử tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ được chuẫn bị cực kỳ công phu,
không những trong phiên tòa mà cả ngoài phiên tòa Công an dày đặc, kiểm
soát mọi biểu hiện của người dân đến xem, và đã có rất nhiều người bị
bắt, bị đánh…(theo RFA). Nhà cầm quyền Việt Nam đã thẩm định và tiên
liệu kỹ lưỡng về phản ứng của người dân trong nước cũng như cộng đồng
quốc tế để đối phó.
Tiếp theo giáo sư Châu cho rằng: “Trong trường hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta (quan tòa) chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn”.
Cách chức một hai người có lỗi chỉ là sự giải quyết bề nổi, họ chỉ như
những “con dê tế thần” của chế độ (lâu nay phương pháp này thường được
nhà cầm quyền Việt Nam dùng khi có scandals). Sự ra đi của họ tạo sự
chính danh ảo, sự chính danh mỵ dân cho những người còn tiếp tục cầm
quyền. Vậy thì sự ra đi này có giải quyết được tận gốc vấn đề hay không?
Hỏi cũng là để trả lời!
Giáo sư Ngô Bảo Châu đã viết một câu kết khá ấn tượng: “Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ”.
Câu nói này thật hay và có gì đó mang hơi hướng triết lý nhưng thiết
nghĩ những người cộng sản từ trước nay chưa bao giờ bất cẩn với sự sống
còn của mình. Thay vì nói điều này với Hồi đồng xét xử phiên tòa 4/4,
giáo sư Châu nên nói điều này (trừ cụm từ “sự cẩu thả”) với Bộ chính
trị và những người cầm quyền chóp bu thì tốt hơn. Tôi thấy thật không
công bằng khi cứ đổ lỗi cho mấy ông Thẩm phán và Hội thẩm.
Là một người còn quá trẻ, thật sự tôi không tự tin lắm với việc viết
phản biện nhắm vào một cá nhân, hơn nữa lại là một cá nhân nhiều thành
tựu và uy tín như giáo sư Châu. Thế nhưng, cũng mượn lời ông, tôi muốn
nói rằng chúng ta không nên sợ hãi tranh luận. Bởi sự thật có thể là
nhiều mảnh ghép, chứ không nhất thiết phải là đúng hay sai. Tranh luận
giúp chúng ta tìm ra nhiều mảnh ghép của chân lý, do đó việc tiếp cận nó
sẽ dễ dàng hơn. Và chân lý đạt được thông qua lý luận luôn là thứ cần
thiết để tạo nên sự canh tân ngoạn mục trong mọi lĩnh vực : chính trị,
văn hóa, xã hội, khoa học…
Tam Kỳ, ngày 7 tháng 4 năm 2011