Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Huỳnh Ngọc Tuấn: Đảo chính ở Ai Cập

Sau khi chế độ độc tài của Tổng thống Hosni Mubarak bị cuộc cách mạng Hoa lài lật đổ năm 2011, người dân Ai cập kỳ vọng một chế độ Dân chủ sẽ hình thành tại quốc gia Ả rập này để mọi người thuộc mọi thành phần xã hội, sắc tộc, tôn giáo được hưởng những quyền dân chủ đúng nghĩa với một chế độ đa đảng và pháp trị.


Người dân Ai cập cũng như tất cả mọi dân tộc trên thế giới này luôn khao khát tự do và dân chủ, mà tự do và dân chủ thì đồng nghĩa với sự hài hòa và bình đẳng, nó phù hợp với công lý và nhân tâm trong đó mọi người đều có cơ hội như nhau để thăng tiến và phục vụ đất nước.

Không thể tồn tại trong nhà nước dân chủ đích thực một thứ siêu quyền lực vượt trội lấn át tất cả và lũng đoạn mọi mặt đời sống xã hội, đứng trên luật pháp quốc gia và thủ tiêu những chuẫn mực được minh định trong Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, cho dù thứ siêu quyền lực đó được hình thành bằng một cuộc bầu cử.

Chế độ của Tổng thống Mohammet Morsi và đảng Huynh đệ Hồi giáo là một thế lực như vậy và nó phải bị lật đổ vì nó đi ngược lại lòng dân, công lý và những giá trị dân chủ.

Chiến thắng sau một cuộc bầu cử bị cáo buộc là bất công và gian lận đã dưa đảng Huynh đệ Hồi giáo lên nắm quyền với vị tổng thống mới Mohammed Morsi.

“Thế nhưng, sau một năm điều hành đất nước, ông Morsi làm thất vọng ngay cả những người đã từng ủng hộ ông vì để kinh tế đình đốn, xã hội chia rẽ, mưu toan thâu tóm quyền lực vào tay nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo. Tức nước vỡ bờ, người dân Ai Cập lại xuống đường phản đối tổng thống, và lần này còn đông hơn năm 2011” (RFI).

Mohammed Morsi và đảng Huynh đệ Hồi giáo đã nhanh chóng hiện nguyên hình là một chế độ Hồi giáo cực đoan và độc tài.

Với ưu thế tuyệt đối về nhân sự, tài chính và tổ chức họ đã đi theo vết xe đổ của Hosni Mubarak nhưng khác với Mubarak họ không được lòng cả nhân dân và Quân đội vì chế độ của Mohammed Morsi là chế độ độc tài của đa số, nó cũng giống như chế độ của Hugo Chávez tại Venezuela hiện nay hoặc chế độ Bolshevik ở Nga hồi 1917 hoặc Việt nam dân chủ cộng hòa hồi 1945.

Cộng đồng quốc tế thất vọng khi chứng kiến một nhà nước độc tài Hồi giáo cực đoan ra đời để thay thế cho nhà nước độc tài quân phiệt .

Chế độ độc tài CSVN thì vô cùng mãn nguyện khi nhìn thấy sự bế tắc và thất bại của cuộc Cách mạng Hoa lài, với bao nhiêu xương máu đổ ra chỉ làm được mỗi việc thay thế chế độ độc tài này bằng chế độ độc tài khác, không có cơ hội nào tốt hơn để họ lu loa lên rằng: Cách mạng “chỉ làm cho xã hội bất ổn và nhiễu nhương” chỉ là một cuộc “tranh giành quyền lực của các phe nhóm”.

Còn những người đấu tranh cho dân chủ ở VN thì thất vọng vì khó có thể biện minh và thuyết phục người dân tin vào sự cần thiết của một cuộc Cách mạng để thay đổi thể chế độc tài bằng một chế độ Dân chủ tốt đẹp hơn!

Quần chúng về bản chất không phải là tập hợp của những phần tử ưu tú có tầm nhìn viễn đại họ chỉ có những nhu cầu rất thiết thực đôi khi rất ngây thơ.

Họ rất e ngại phải đối diện với một sự thay đổi sâu rộng xã hội một khi họ chưa bị dồn vào đường cùng hoặc một khi những chuyễn biến tại khu vực và thế giới đặt họ trước một viễn cảnh không thể không thay đổi hoặc họ có thể thừa cơ sự thay đổi để tạo dựng cho họ một vị thế mới hoặc họ bị đám đông cuốn theo.

Nhưng quân đội thì khác, quân đội luôn được lãnh đạo bởi những con người ưu thời mẫn thế, họ biết điều gì đang và sẽ xãy ra trong nước, trong khu vực và quốc tế.

Quân đội được địều hành bởi những chiến lược gia am hiểu thời cuộc nên họ sẵn sàng có những lựa chọn và đưa ra những quyết định trọng đại phù hợp với quyền lợi của họ và nhu cầu của đại cuộc.

Trong tay những nhà lãnh đạo quân đội luôn có phương tiện và cơ hội để thay đổi vận mệnh của quân đội và của chính bản thân người lãnh đạo quân đội miễn là họ biết vận dụng sức mạnh đó cho đúng thời thế và phải tìm được sự hậu thuẩn của những người đại diện cho nhân dân để có được sự chính danh. Một hành động quân sự không chính danh và không được sự ủng hộ của nhân dân và những nhà dân chủ chỉ đơn thuần là một cuộc đảo chính và hành động đó là hành động phiến loạn.

Quân đội Ai cập đã có một quyết định lịch sử một hành động khôn ngoan và thức thời , họ đã lật đổ chế độ của Tổng thống Mohammed Morsi khi nhận thấy lòng dân và thời cuộc kiên quyết đòi hỏi phải có sự thay đổi.

Chúng ta hãy theo dòng thời sự:
“Trong một tuyên bố hôm thứ Ba, quân đội nói sẽ “hy sinh kể cả máu của mình vì Ai Cập và nhân dân, để bảo vệ họ khỏi những kẻ khủng bố, cực đoan hoặc ngu ngốc”.

“Có tin nói kế hoạch của quân đội nhằm tổ chức bầu tổng thống mới, đình chỉ bản tân hiến pháp và giải thể quốc hội.”

Xuất hiện trực tiếp trên truyền hình, người đứng đầu lực lượng quân đội tuyên bố đình chỉ hiến pháp.
Tướng Abdul Fattah Al-Sisi nói vị chánh án tòa hiến pháp sẽ nắm quyền tổng thống, và một kỳ bầu cử sẽ sớm được tổ chức.

Trong phát biểu tối hôm qua, tướng al-Sissi cam kết là « quân đội sẽ đứng xa các hoạt động chính trị », quân đội can thiệp lần này chỉ nhằm đưa Ai Cập thoát khỏi bế tắc.

Tuyên bố này đồng nghĩa với việc Tổng thống Mohammed Morsi không còn quyền lực nữa.
Người biểu tình phản đối ông Morsi tại Quảng trường Tahrir đã reo hò vang trời để đáp lại lời phát biểu của tướng al-Sisi.

Ông Chánh án Tòa án Tối cao Adly Mansour được chỉ định làm Tổng thống lâm thời để tổ chức tổng tuyển cử bầu lại Tổng thống và quốc hội.
(theo RFI và BBC).

Nhận định về cuộc binh biến này ông Amr Mussa cựu Tổng thư ký Liên đoàn Ả rập và bây giờ là lãnh đạo đảng đối lập khẳng định “đây không phải là cuộc đảo chính”.

Còn tờ Le Figaro nhận định rằng trong bối cảnh hiện tại tướng Sissi và quân đội trở thành “người bảo đảm ổn định” cho Ai cập hơn bao giờ hết. (RFI)

Nhiều người tự hỏi hành động binh biến của quân đội Ai cập có vi phạm Hiến pháp và Luật pháp không?
Theo tôi câu trả lời là không.

Vì Hiến pháp là một khế ước xã hội cho nên nó phải thể hiện được ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại dân chúng, phù hợp với những giá trị phổ quát của thời đại, Hiến pháp phải thể hiện được nhân tâm và công lý.
Khi Hiến pháp và Luật pháp không phản ánh ý chí và sự đồng thuận của tuyệt đại dân chúng có nghĩa là không còn hợp với lòng dân và thời cuộc thì tự thân bản Hiến pháp và Luật pháp đó là áp đặt và vô giá trị, nó phải được thay thế vì Hiến pháp không phải là định mệnh của một dân tộc!

Hiến pháp và Luật pháp cũng không phải là ý chí của một thiểu số hay một giai cấp như Hiến pháp và Luật pháp của CSVN.

Điều 4 trong Hiến pháp VN bảo đảm quyền độc tôn và độc tài cai trị đất nước của đảng CS là đi ngược với lòng dân vì nó không thể hiện trọn vẹn ý chí của cả dân tộc nó đi ngược lại với Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị cũng như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền mà CSVN đã cam kết thực hiện. Những điều luật quốc tế này có giá trị cao hơn Hiến pháp nước CHXHCNVN.

Còn những điều như 88, 79, 258 trong bộ Luật hình sự VN là đi ngược lại Hiến pháp và Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị cũng như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền nên nó phải được hủy bỏ.
Việc duy trì và áp đặt một Hiến pháp và luật pháp như vậy làm mất đi sự thăng bằng động tiến khiến xã hội bất an và đình trệ, đất nước không thể nào phát triển được.

Đảng CSVN đã dùng sức mạnh quân đội để bảo vệ quyền lực của họ và gia tộc khiến đất nước bị kiềm hảm quân đội bị làm nhục.

Chúng ta kỳ vọng rằng một ngày nào đó không xa quân đội Nhân dân VN sẽ thức tỉnh sẽ đứng về phía nhân dân khi lòng dân và thời cuộc đòi hỏi, sẽ làm được những gì quân đội Ai cập đã làm: sẽ “hy sinh kể cả máu của mình vì Ai cập và nhân dân, để bảo vệ họ khỏi những kẻ độc tài, khủng bố, cực đoan hoặc ngu ngốc”.
Có thể chúng ta sẽ đối mặt với những khó khăn như đất nước Ai cập hiện nay sau binh biến nhưng nếu không làm gì cả thì đất nước sẽ tồi tệ hơn và cơ may để thoát khỏi chế độ độc tài là không có.

Quân đội Việt Nam sẽ đóng vai trò của một lực lượng bảo vệ quốc gia làm rạng rỡ dân tộc và đất nước lập nên những chiến tích huy hoàng như quân đội của Bà Trưng, bà Triệu, của Ngô Quyền, Lý thường Kiệt, của Trần Hưng Đạo của Quang Trung Nguyễn Huệ.


Huỳnh ngọc Tuấn