AFP/Chanel NewsAsia
WASHINGTON | 11.7.2013 | Theo các nguồn thông tin tiết lộ hôm thứ Tư, Tổng thống Barack Obama đã mời người đồng nhiệm Việt Nam đến thăm Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong tháng này, hướng tới việc thúc đẩy hợp tác về an ninh và thương mại bất chấp các quan ngại đối với hồ sơ nhân quyền của Nhà nước cộng sản này.
Chuyến viếng thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ là chuyến thăm thứ hai của một nguyên thủ quốc gia Việt Nam đến Washington kể từ khi hai quốc gia cựu thù này bình thường hoá quan hệ và chuyến thăm đã đến trong bối cảnh hai chính phủ đều nhìn thấy những quyền lợi chung đang gia tăng.
Hai người hiểu biết rõ về kế hoạch của chuyến công du này, không muốn nêu tên, đã cho AFP biết rằng Obama đã mời Trương Tấn Sang đến Toà Bạch Ốc trong khoảng tuần cuối cùng của tháng bảy.
Toà Bạch Ốc và Đại sứ quán Việt Nam đã từ chối đưa ra bình luận tức thời.
Việt Nam đã rất hăng hái để mở rộng những hợp tác quân sự với Hoa Kỳ vì các quốc gia Đông Nam Á lên án một Trung Hoa trỗi dậy với những sách lược hiếu chiến ngày càng gia tăng để cố gắng duy trì những tranh chấp lãnh thổ.
Trong khi những căng thẳng vẫn ở mức độ cao giữa Trung Quốc và Philippines, những xung đột giữa Bắc Kinh và Hà Nội có vẻ đã đột ngột dịu đi với quyết định của ông Obama mời ông Sang.
Chủ tịch nước Việt Nam đã viếng thăm Bắc Kinh tháng qua để thảo luận về những tranh chấp. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nói rằng những kình địch mang tính lịch sử đã được thoả thuận để tiến tới thiết lập một đường dây nóng nhằm giải quyết những sự cố liên quan đến các tàu cá trong vùng biển Đông đang bị tranh chấp chủ quyền một cách kịch liệt.
Nhưng mối quan hệ đang phát triển giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã đối mặt với những chỉ trích kéo dài của Điện Capitol, Quốc hội Hoa Kỳ đã lên án chính quyền Obama chỉ hứa suông trong việc kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền.
Dân biểu Virginia thuộc Đảng Cộng hoà Frank Wolf, đã cáo buộc rằng Chính quyền Obama “nhu nhược không thể tưởng tượng” trong việc thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam và ở những nước khác.
“Nếu bạn bầu cho Obama và bạn nghĩ rằng ông ta sẽ là người ủng hộ nhân quyền và quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, thì bạn đã bị lừa”, ông Wolf nói như thế với AFP.
“Ông ta là Tổng thống tồi nhất mà chúng ta từng có đối với vấn đề này”, ông nói.
Các giới chức chính quyền xác nhận trước Quốc Hội trong tháng trước, đã cho rằng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam ngày càng tồi tệ, với việc nhà nước này hiện đang giam giữ hơn 120 tù nhân chính trị và gia tăng việc ngăn chặn Internet.
Quốc hội Hoa Kỳ có lập trường như thế một phần vì những kháng cáo từ những cử tri người Mỹ gốc Việt, nhiều người trong số này đã chạy trốn khỏi chế độ cộng sản.
Hoàng Tứ Duy, phát ngôn viên đảng Việt Tân, một tổ chức đấu tranh có trụ sở tại Hoa Kỳ bị cấm bởi chính quyền Hà Nội, đã cho rằng ông Obama nên áp lực với ông Sang để thực hiện “quyền tự do chính trị thực sự” và trả tự do cho các tù nhân chính trị gồm có luật sư Công giáo bất đồng chính kiến nổi tiếng Lê Quốc Quân.
Ông Obama đã xem Đông Nam Á là một ưu tiên, ông nhìn thấy một cơ hội xây dựng các mối quan hệ với khu vực này, các quốc gia trong khu vực này đã chiếm một tỷ lệ phát triển kinh tế cao và hầu hết là thân thiện với Hoa Kỳ.
Từ khi bắt đầu nhiềm kỳ thứ hai, ở Toà Bạch ốc, ông Obama đã gặp gỡ những nhà lãnh đạo của Singapore, Brunei và đặc biệt là Miến Điện trong một chuyến viếng thăm được xem là không thể xảy ra trước những cải cách dân chủ gần đây.
Hoa Kỳ cũng đã mở rộng những mối quan hệ thượng mại với Việt Nam, Việt Nam là một trong hàng tá quốc gia đang đàm phán để gia nhập tổ chức Hợp tác xuyên Thái Bình Dương do Hoa Kỳ hậu thuẫn.
Chính quyền Obama đã dự kiến được Hiệp ước này sẽ là nền tảng cho một trật tự mới, sẽ thiết lập những nguyên tắc cho vùng châu Á Thái Bình Dương trong thời điểm có những thay đổi mau chóng vì sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tổng thống Bill Clinton đã bình thường hoá mối quan hệ với Việt Nam và đã có một chuyến viếng thăm hoà giải mang tính bước ngoặt quan trọng vào năm 2000. Tổng thống George W. Bush cũng đã viếng thăm Việt Nam vào năm 2007 trong Hội nghị Thượng Đỉnh châu Á Thái Bình Dương.
Cựu Chủ tịch nước Việt Nam duy nhất sau chiến tranh đã viếng thăm Nhà Trắng là Nguyễn Minh Triết vào năm 2007 với lời mời của ông Bush. Những người biểu tình đã đi theo phản đối trong suốt chuyến thăm kéo dài sáu ngày của ông này.
Ông Sang đã thăm Hawaii năm ngoái trong Hội nghị Thưởng đỉnh châu Á Thái Bình Dương và thủ tướng Việt Nam đã thăm Washington vài lần từ năm 2005.
Ngoại trưởng John Kerry, một cựu binh chiến tranh Việt Nam từng hoạt động năng nổ trong nỗ lực bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, đã nói rằng ông dự định sẽ sớm đến thăm Hà Nội.
Bản dịch của Huỳnh Thục Vy
Nguồn: Chanel NewsAsia