Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Sự công bằng và nền pháp trị

Cách đây vài ngày, tôi đã nhận được tin vui từ một người bạn học thời phổ thông: anh ta vừa được nhận vào làm trong một tập đoàn truyền thông có tiếng trong nước. Anh này học hành cũng không giỏi giang gì, chỉ vì gia đình anh có công với “cách mạng” nên được ưu đãi thôi. Rồi mới hôm qua đây tôi lại nhận được một tin kém vui từ người bạn gái mà tôi yêu mến nhất: cô ấy tốt nghiệp loại khá nhưng vì lý lịch không được tốt và lại là con gái nên đã không được nhận vào làm ở vị trí công việc vẫn thường dành cho nam giới. Tôi thật không biết phải làm sao để vừa vui cho một người trong khi phải chia buồn với một người khác!


Ở Việt Nam hiện nay tồn tại một vấn đề hết sức đáng lo, đó là sự bất công hiện diện khắp mọi nơi  không những trong đời sống xã hội, trong tâm thức của người dân mà cả trong hệ thống luật cũng như trong cách thức thi hành luật. Cùng với các vấn đề khác trong xã hội, tình trạng bất công ngày càng nổi lên như một hiện thực nan giải, mà hệ lụy của nó đối với đạo đức xã hội và nền văn hóa thật đáng ngại. Thiết nghĩ, khi mọi giềng mối xã hội và đạo đức đều bị lung lạc, may ra ta còn cứu vãn nổi bằng lẽ công bằng, thế nhưng tầm quan trọng to lớn của nó ngày hôm nay vẫn chưa được nhận thức đúng cả trong nền văn hóa và cả trong nền chính trị.

Công bằng là một quan niệm đạo đức căn bản của nhân loại. Nó cũng là một trong những tiêu chí của chủ nghĩa tự do, là biểu hiện đặc trưng của những nền dân chủ pháp trị trên thế giới, và cũng là một giá trị tinh thần tốt đẹp  cho xã hội mà những người Việt tâm huyết với đất nước đang cố tâm theo đuổi.

Một xã hội không thể được xem là văn minh, tiến bộ nếu ở đó không hiện hữu sự công bằng. Sự công bằng vốn gắn liền với tinh thần đạo đức,giáo lý tôn giáo và pháp luật, vì thế ảnh hưởng của nó là vô cùng to lớn đối với đời sống vật chất và tinh thần của từng cá nhân ,và của toàn xã hội. Công bằng là ngay thẳng, không thiên vị trong cách hành xử và đối đãi giữa các cá nhân nói riêng hay là sự hài hòa, cân đối của nền luật pháp xã hội nói chung. Quan niệm về tính công bằng được đặt trên nền tảng triết học nhân bản. Vì rằng mỗi con người sống trên thế giới đều mong muốn thọ hưởng những diều tốt đep,những gì người này mong muốn thì người khác cũng ước ao,thế nên cái gì mình căm ghét thì cũng tuyệt đối không thể mang đến cho người khác.
Trong mối quan hệ giữa người với người, sự công bằng trở thành một yếu tố mang lại sự hài hòa và đồng thuận. Còn trong nhãn quan vĩ mô toàn xã hội, điều này đóng vai trò xoa dịu xung đột, ổn định xã hội và bồi dưỡng đạo đức.

Sự công bằng có thể được xem xét dưới hai bình diện khác nhau, thứ nhất đó là tính công bằng trong nền văn hóa được thể hiện trong đạo đức xã hội,phong tục,tập quán;và thứ hai là tính công bằng của nền luật pháp. Thế nhưng hai phạm vi ảnh hưởng này lại có mối quan hệ tương hỗ sâu sắc. Một nền văn hóa mang những yếu tố thể hiện sự công bằng sẽ cùng với những thiết chế khác trong xã hội thúc đẩy việc xây dựng một nền luật pháp công bằng,ngược lại hệ thống luật pháp công bằng đó lại có tác dụng tạo điều kiện và nuôi dưỡng tinh thần tôn trọng công bằng trong xã hội.

Tinh yêu thương con người được nhắc đến nhiều trong các giáo lý tôn giáo như: lòng “từ bi” của đạo Phật, tinh thần “bác ái”, của Cơ Đốc giáo,và chữ “nhân” trong Khổng giáo. Người Việt chúng ta từ xa xưa cũng luôn ca ngợi và xây dựng nhân cách con người trên nền tảng những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp như thế. Nhưng nếu khi người ta chỉ biết yêu thương bản thân và gia đình họ, sẵn sang làm phương hại đến lợi ích của người khác thì đạo đức đối với anh ta sẽ chỉ là những điều vô nghĩa,lúc đó sự công bằng đóng vai trò quyết định. Anh có thể không yêu thương người đồng loại, nhưng vì anh vẫn là một cá thể của xã hội, anh phải có nghĩa vụ chấp nhận những quy tắc chung đem lại sự công bằng cho tất cả mọi người; nếu không anh sẽ bị trừng phạt. Đó chính là lối cư xử của con người trong xã hội có sự quản lý của quyền lực nhà nước.

Nước ta là một tiểu quốc  nằm bên cạnh Trung Hoa, một quốc gia có nền văn hóa đồ sộ.  Sang thế kỷ 10, dù đã thoát khỏi hơn 1000 năm Bắc thuộc đen tối, nhưng ảnh hưởng của nền văn hóa Không giáo của họ vẫn  ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa Đại Việt cho mãi tận đến nửa đầu thế kỷ 20.Theo Nho giáo, trong năm điều thường hằng cần phải có (ngũ thường) của những bậc mày râu được gọi là “quân tử” có: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín; thì chẳng có một từ nào dành để ca ngợi tinh thần công bằng cả. Trong tất cả các giá trị đạo đức của nền văn hóa Đại Việt ta, tính công bằng thể hiện khá mờ nhạt. Nho giáo là triết học chú trọng “đức trị”. ”Đức” hay đạo đức tất nhiên là những “khuôn vàng thước ngọc” trong cư xử của con người, nhưng thế giới đâu phải toàn người tốt. Nên trong việc quản lý  một xã hội bằng quyền lực nhà nước, ”đức trị” không phải là phương pháp đủ tốt để trở thành phương tiên chủ yếu nhằm đạt đến một xã hội hài hòa. Hơn nữa, văn hóa Nho giáo vốn chứa nhiều yếu tố và triết lý  tiềm ẩn sự bất công và ràng buộc con người, điều này có thể được minh chứng trong nhiều phương diện. Một số nhà cai trị ở nước ta còn ảnh hưởng tư tưởng của phái Pháp Gia, mà tiêu biểu là Hàn Phi Tử. Thế nhưng trong cái nền chính trị “dụng pháp trị”, tức là chỉ “dùng luật để cai trị” ấy cũng có một câu nói nổi tiếng: “lễ bất hạ thứ dân,hình bất thướng đại phu”. Đây là một minh chứng tiêu biểu cho nền chính trị chỉ dùng luật để cai trị người dân (rule by law),chứ những hình phạt của pháp luật kia chẳng thể động đến những người thuộc tầng lớp trên của xã hội. Từ đó, nó tạo ra những loại ý thức xã hội mâu thuẫn, hẹp hòi và đầy bất công.

Cùng với nền chuyền chế tập quyền phong kiến nước ta cũng như nhiều nước phương Đông khác, qua nhiều thế kỷ, vẫn không xậy dựng được một hệ thống luật pháp công bằng. Vì dù luật pháp khoát cái danh hiệu biểu trưng cho sự công bằng, nhưng nếu bản thân nó được tạo ra từ thể chế độc tài chuyên chế thì nó chẳng thể công bằng được, có nghĩa là nó chỉ được dùng để cai trị người dân và bảo vệ địa vị của giới cầm quyền chứ không phải để bảo vệ người dân. Theo tôi, công bằng nếu không phải là đức tính tốt đẹp được coi trọng hàng đầu thì cũng xứng đáng với vị trí thứ hai. Vì khi những đạo đức  đáng ca ngợi kia đã bị tha hóa và không còn được tôn trọng nữa, thì tinh thần công bằng sẽ vẫn có thể phát huy sức mạnh của nó. Cái chúng ta cần chính là một nền pháp trị thực thụ,vì nó là phương tiện để đạt được sự công bằng rộng rãi toàn xã hội.
Với tất cả những hệ lụy của nền văn hóa bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa từ thời trung cổ phong kiến cho đến những khuyết tật của kiểu văn hóa Marx-Lenin thời kỳ cai trị của đảng Cộng Sản,người dân ta cho đến nay vẫn chưa thể hình thành rõ ràng những ý niệm về sự công bằng giữa người với người trong xã hội hiện đai và văn minh.Còn xét về mặt thể chế, chúng ta cũng chưa thọ hưởng được một nền luật pháp công bằng, với đầy đủ tất cả các cơ cấu xã hội đảm bảo cho tính công bằng của nó.Làm sao người ta có thói quen tôn trong lẽ công bằng và thực hiên sự công bằng trong xã hội khi chưa bao giờ được sống và nhận được sự bảo vệ từ một hệ thống luật công bằng?!

Đối với nền văn hóa Tây phương, tôi có một sự thích thú đặc biệt cũng chính bởi tính tôn trọng công bằng của họ.Dù cho đến thế kỷ 18,19 , những lý thuyết về chủ nghĩa phóng khoáng mới thực sự hoàn thiện; và họ cũng phải mất chừng đó thời gian để xây dựng những nền dân chủ thực sự đầu tiên trên thế giới; nhưng người phương Tây với nền văn hóa khai phóng hơn nhiều so với nền văn hóa phương Đông cùng với  những điều kiện lịch sử đặc thù đã tạo lập được những hệ thống luật pháp khá hoàn chỉnh từ lâu. Nói cách khác,trước khi có được nền dân chủ tự do có thể nói là hoàn chỉnh như ngày nay, họ đã có được một nền pháp trị đáng ngạc nhiên. Điều mà cho đến nay, đối với người dân Việt Nam vẫn còn là niềm mong ước.

“Thực ra,việc xây dựng một hệ thống pháp luật công bằng,minh bạch,làm nhiệm vụ thực thi công bằng xã hội và bảo vệ công lý phải tốn một khoảng thời gian nhất định và những điều kiện chính trị xã hội cụ thể,chứ không phải đơn giản chỉ là một vài  sửa chữa mang tính tiểu xảo trong Hiến pháp,cùng với việc tách Tòa án ra khỏi Hành pháp và Lập pháp như những việc mà nhà cầm quyền Việt Nam đang dự định làm.Muốn có được nền pháp trị _rule of law (chứ không phải pháp quyền_rule by law) để từ đó xây dựng được một xã hội tôn trọng lẽ công bằng,chúng ta có rất nhiều việc phải làm: từ việc xây dựng một bản Hiến Pháp dân chủ,thực hiện tam quyền phân lập (chứ không phải “tam quyền thống nhất”),một chính phủ hành pháp hiệu quả,đến xã hội dân sự mạnh mẽ,linh hoạt. Đây cũng là những điều kiện chủ yếu của một chế độ chính trị dân chủ.Thiếu một trong những tiêu chí này thì nền dân chủ tự do không thể hiện hữu theo đúng nghĩa của nó.”

Có lẽ công bằng không đẹp đẽ như lòng nhân ái, cũng không sáng giá như trí tuệ, hưng nó lại có thể giúp chúng ta yên tâm sống một cách tự do trong xã hội mà không sợ bị ngược đãi. Hiểu được ý nghĩa to lớn của nó đối với đời sống, và sự tiến bộ của con người, chúng ta mới có động lực để có những hành động thích hợp. Thế nhưng theo cách nhìn chủ quan của tôi, các bạn trẻ Việt Nam hiện nay ít quan tâm đến sự công bằng trên cả bình diện đạo đức và luật pháp. Trong giới hạn bài viết và trình độ của người viết, tôi chỉ hi vọng có thể nêu ra một vài ý kiến nhằm gởi mở một cách nhìn khác với những gì các bạn đã và đang có.Và cũng mong một phần nào có được sự đồng thuận của các bạn.

Ngày 15 tháng 07 năm 2010