Science without religion is lame. Religion without science is blind (Albert Einstein)
Tôn giáo là một trong những định chế xã hội lâu đời nhất của thế
giới. Đó là phần giá trị tinh thần to lớn, là cội nguồn văn hóa đã thấm
nhuần trong đời sống nhân loại từ thời cổ đại. Trong thế giới hiện đại
ngày nay, các tổ chức tôn giáo chính là các hội đoàn dân sự, một thành
tố tạo nên nền tảng cho một thể chế dân chủ. Riêng đối với Việt Nam,
hiện nay có nhiều cộng đồng các tôn giáo khác nhau, nhưng Phật giáo có
số tín đồ đông nhất, có lẽ do đạo Phật là một đạo truyền thống của người
Việt.
Phật giáo đã đi cùng dân tộc trải qua bao thăng trầm của lịch sử,
và cũng đã đóng góp nhiều thành tựu trong việc xây dựng xã hội. Và dấu
son đậm nét nhất của Phật giáo chính là việc tạo nên nền văn hóa Phật
giáo và các thành tựu xã hội đáng ghi nhớ trong hai triều đại cực thịnh
của chế độ phong kiến Việt Nam: Triều Lý -Trần.
Ở
phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, hầu hết các quốc gia đều
bước vào chế độ phong kiến với những đặc điểm rất khác biệt với các nước
phương Tây. Đó là việc xây dựng kiểu nhà nước phong kiến tập quyền. Nhà
vua có quyền lực chính trị tối cao, nắm cả vận mệnh của cả một dân tộc.
Vì vậy con đường phát triển quốc gia như thế nào là tùy thuộc vào cái
“trí” của nhà vua và tầng lớp quan lại;cuộc sống của người dân được ấm
no, được an cư lạc nghiệp hay không đều tùy thuộc vào cái “tâm” của
người cai trị.
Triều đại nhà Lý ở nước ta bắt đầu với sự lên ngôi của Lý Công Uẩn,
một vị hoàng đế xuất thân thiền môn. Vì thế sau khi lên ngôi ông đã
trọng đãi tăng ni, khuyến khích và tạo điều kiện để Phật giáo phát triển
trong cả nước. Sau khi triều Lý sụp đổ 1225, triều đại nhà Trần bắt đầu
và cũng tiếp tục các chính sách cổ súy tinh thần Phật giáo như triều
Lý. Ở hai triều đại này, các hoàng đế, hoàng thân quốc thích và quan lại
thường sùng kính đạo Phật. Lúc bấy giờ, tinh thần Phật giáo được phổ
biến và tôn trọng, có thể nói nó là “khuôn vàng thước ngọc” để đánh giá
phẩm hạnh và uy tín của một người, đặc biệt là những người ở tầng lớp
trên của xã hội. “Vô ngã” là giáo lý nền tảng của đạo Phật, nghĩa là
không có cái “tôi” vĩnh hằng, bất biến, tồn tại độc lập với các bản thể
khác; nói ở giác độ hẹp hơn đó là: không có cá nhân con người hay sự vật
nào trong vũ trụ tồn tại mà không phụ thuộc vào các cá nhân khác; như
vậy trong nhãn quan đạo Phật con người không phân chia thành hoàng đế
hay nô lệ vì hoàng đế cũng không thể tồn tại được nếu không có thần dân;
và đó cũng chính là tinh thần phóng khoáng (liberal) của đạo Phật. Vì
thế, lần lượt nhiều đời vua nối tiếp nhau trong thời kỳ vàng son của cả
hai triều đại trên, với sự sùng bái đạo Phật, đã ban hành nhiều chính
sách phóng khoáng: khuyến khích nông nghiệp (phân chia ruộng đất cho dân
cày, cấm giết mổ trâu để không ảnh hướng đên việc cày bừa) giúp người
dân được an cư lạc nghiệp; ban hành những đạo luật có tính chất không
quá khắc khe (Bộ luật Hình thư, triều Lý) nhưng vẫn nghiêm minh và giữ
được sự ổn định của nền luật pháp và chính trị. Tôi từng nghe kể rằng,
sau lễ Hạ điền tháng 2 năm 1038, vua Lý Thái Tông đã đích thân xuống
ruộng cày, năm đó mùa màng bội thu, dân chúng vô cùng phấn khởi. Chúng
ta không thể nói đây là hành động mang tính “chính trị” của nhà vua vì
thực ra ông không cần tranh thủ sự ủng hộ nào cả từ phía người dân như
trong thể chế dân chủ ngày nay, khi trong tay ông nắm cả quyền chính trị
và quân sự.
Chúng ta đã từng nghe nói trong lịch sử các triều đại phong kiến, anh
em, cha con trong hoàng gia giết nhau để đoạt ngôi, mới biết sự cám dỗ
của quyền lực thật khủng khiếp: “ngôi báu” là không thể chia sẻ. Thế
nhưng vào thời nhà Trần, nhiều vị hoàng đế nhường ngôi cho con khi còn
rất trẻ, chia sẻ quyền lực tối cao của mình để cùng con trị vị đất nước;
có vị còn từ bỏ ngôi báu ấy để xuất gia học Phật như Phật hoàng Trần
Nhân Tông. Đó là những tấm gương sống động về “trí” “dũng” trong đạo
Phật. Còn người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, người đã được dân Việt
ta phong thánh vì đã quên đi mối thù nhà sâu nặng để giúp vua thống nhất
hàng ngũ quan lại và tướng lĩnh trong triều, đoàn kết toàn dân, lãnh
đạo các cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên thắng lợi, đó chẳng
phải là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần từ bi, vị tha của Đạo Phật
sao? Thời Lý Trần, cả xã hội Việt Nam thấm nhuần trong giáo lý của đạo
Phật, con người chất phác thuần hậu, ít tội ác, việc học hành, khoa cử
được chú trọng, các loại hình văn học- nghệ thuật mang đậm phong cách
Phật giáo được tôn vinh, phát triển. Đó chính là một dấu son không bao
giờ phai trong lịch sử nước Đại Việt.
Nếu luật pháp là những quy tắc xử sự, điều chỉnh các mối quan hệ xã
hội và mang tính cưỡng chế thì các giáo lý tôn giáo khác nhau là những
chuẩn mực đạo đức, tinh thần, mang tính tự nguyện, nhưng nó sẽ có một
sức mạnh to lớn nếu nó thực sự đi vào lòng người. Nói một cách đơn giản,
một người bình thường không dám phạm tội vì sợ chịu trách nhiệm pháp
lý, còn một người ngoan đạo không phạm tội vì anh ta cảm thấy nó vi phạm
các quy tắc tôn giáo và chuẩn mực niềm tin của mình, chứ chưa cần xét
đến trách nhiệm pháp lý. Giáo lý tôn giáo đã tạo ra một rào cản vô hình
từ trong tâm thức của con người khỏi những hành vi tội ác. Luật pháp
trừng phạt những kẻ phạm tội, còn giáo lý tôn giáo khuyến khích người ta
làm điều thiện. Và nếu đem ra so sánh, sự “không phạm tội” và “hành
thiện” vẫn cách nhau một khoảng khá xa. Ngày nay, việc xây dựng một nhà
nước pháp trị được cổ vũ trên khắp thế giới tiến bộ, điều đó thực sự cần
thiết trong việc xây dựng một xã hội dân chủ tự do; nhưng bên cạnh đó,
tôi nghĩ rằng việc phát huy, cổ súy cho những niềm tin tôn giáo tốt đẹp
vẫn không kém phần quan trọng. Tôn giáo làm cho cuộc sống tinh thần của
con người thêm cao đẹp;ở trong đó, con người tìm được những giá trị
chân- thiện- mỹ đích thực trong cuộc sống, và sự thanh thản trong tâm
hồn;giáo lý và đời sống sinh hoạt tôn giáo là một nơi trú ngụ bình an
cho tâm hồn con người trong cuộc sống hiện đại bận rộn và nhiều sức ép
này. Nói rộng hơn, tôn giáo sẽ góp phần tạo dựng một thế giới thiện lành
và đầy tình người. Trong thế giới hiện đại nhiều thành tựu và cũng có
nhiều mặt trái, tôn giáo sẽ là sự bồi đắp to lớn cho những thiếu hụt của
nền văn minh hậu công nghiệp. Xã hội càng hiện đại, tôn giáo càng cần
thiết, và cần được phát huy hơn. Là một người trẻ, tôi luôn ủng hộ tinh
thần khoa học duy lý, nhưng khoa học duy lý không đồng nghĩa với sự vô
thần. Như Albert Einstein đã từng nói: “Khoa học mà không có tôn giáo là
khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học là mù quáng”. Không chỉ có
A.Einstein, tôi được biết nhiều nhà khoa học lớn trên thế giới, những
con người một đời đi tìm chân lý khoa học vẫn là những người ngoan đạo.
Tôi rất ấn tượng mỗi lần nhìn thấy dòng chữ: “In God we trust” trên
đồng Mỹ kim và xúc động được biết rằng tôn chỉ hành động được đề ra khi
thành lập tập đoàn Google của những người lãnh đạo tập đoàn này là
“Don’t be evil”. Tất cả những điều đó không phải là những biểu hiện
tường minh nhất của tinh thần Cơ đốc giáo sao?! Dù người ta chỉ “giao
phó”, hay “tin cẩn vào Chúa” bằng miệng thì vẫn còn tốt hơn là khi người
ta công khai khẳng định mình không tin vào bất cứ sự tồn tại nào của
“ông Trời”, “Thượng Đế” hay bậc Thánh thần nào cả. Vì như thế, ít ra
cũng cho thấy họ hiểu được vai trò quan trọng của tôn giáo đối với xã
hội con người. Sự vô thần là nguy hiểm vô cùng, vì khi người ta không
tin vào một bậc thiêng liêng nào cả, thì khả năng làm ác là không giới
hạn.
Đạo đức tôn giáo là một trong những giá trị định hình bản sắc và khí
chất một dân tộc; nên tôn giáo mất thì đạo đức suy đồi, mà đạo đức suy
đồi dân tộc ấy cũng lụn bại. Là một người sinh ra và lớn lên ở quốc nội,
chứng kiến tất cả những đổi thay tiêu cực đáng ngại của đất nước, tôi
thật sự lo lắng. Tư do tôn giáo và tinh thần khoan dung tôn giáo là một
trong những biểu hiện cơ bản của chủ nghĩa phóng khoáng và là một yêu
cầu cơ bản của một xã hội dân chủ tiên bộ. Nên có thể nói rằng một xã
hội khống có tự do tôn giáo, hay tồn tại sự cản trở tự do tôn giáo là
chưa tiến bộ, là đang đi ngược lại với bản chất và sự phát triển tự
nhiên của xã hội loài người.
Vì thế hôm nay, tôi viết những dòng này để chia sẻ những suy nghĩ tự
lòng mình, vì rằng tôi là một Phật tử, một người luôn mong cầu sự tự do
tôn giáo cho mọi người dân Việt Nam, cho sự hoằng dương kịp thời của
Phật Pháp, cho sự phát huy rộng khắp tinh thần bình đẳng, bác ái của Cơ
Đốc giáo, để cứu lấy cái xã hội Việt Nam đang ngày càng băng hoại những
giá trị đạo đức nền tảng vì bao nhiêu năm các giá trị truyền thống bị đè
bẹp bởi chủ thuyết Marx-Lenin vô thần, phi nhân.
Tam Kỳ tháng 3 năm 2010