In Asia / Asia Foundation
10.7.2013
10.7.2013
Tháng Sáu, Asian Foundation đã tiếp đón Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, ông David B. Shear, tại trụ sở chính của Asian Foundation ở San Francisco. Alma Freeman, biên tập viên In Asia, đã ngồi trao đổi với ông về việc mở rộng mối quan hệ ngoại giao và kinh tế, việc đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, những tiến bộ về nhân quyền, và bối cảnh truyền thông xã hội của Việt Nam dù bị giới hạn nhưng vẫn sôi động.
Quan hệ Mỹ-Việt đã phát triển ra sao kể từ khi tái lập năm 1995?
Kể từ đó, chúng tôi đã đi được một quãng đường dài, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Trong năm 2001 và 2002, chúng tôi đã tiến hành giao dịch thương mại hai chiều lên đến con số 400 triệu đô la một năm, còn trong năm 2012 là 25 tỷ đô la. Đây chính là một sự gia tăng khổng lồ trong mối tương tác kinh tế giữa hai quốc gia. Những giao lưu giữa người dân hai nước cũng phát triển ngoạn mục. Chúng tôi đang nhìn thấy 15.000 sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ hiện nay; theo đó giáo dục là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của chúng tôi sang Việt Nam. Ngày càng có nhiều cơ hội tốt hơn cho những sinh viên tốt nghiệp từ các trường Hoa Kỳ trở về làm việc ở Việt Nam vì vậy chúng tôi đang chứng kiến tỷ lệ đáng kể những sinh viên này trở lại Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh tế. Mức độ hợp tác ngoại giao của Hoa Kỳ với Việt Nam cũng đã tiến triển. Chúng tôi đang phối hợp với chính quyền Việt Nam về các vấn đề liên quan đến sự ổn định và an ninh khu vực cả trên bình diện song phương lẫn trong bối cảnh toàn khối Asean.
Vậy những điểm bất đồng là gì?
Điều rất rõ ràng từ quy mô mối quan hệ kinh tế của chúng tôi là chúng tôi có chung những lợi ích kinh tế sâu sắc. Vì thế, chúng tôi cùng quyết định rằng Việt Nam sẽ đóng vai trò một đối tác tốt trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chúng tôi đang đàm phán về Hiệp đinh Thương mại TPP để Việt Nam trở thành một trong 12 đối tác toàn diện trong đàm phán đa phương này. Một trong những thách thức là việc đàm phán để đạt được một thoả thuận tốt – cả hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đều đòi hỏi rất nhiều ở nhau, vì thế đó sẽ là một cuộc đàm phán đầy thử thách. Chúng tôi có rất nhiều quyền lợi chung trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa). Chúng tôi muốn làm việc cùng nhau để duy trì sự ổn định ở đó, chúng tôi muốn cộng tác với Việt Nam như một đối tác Asean, và chúng tôi muốn làm việc với Trung Quốc về những vấn đề này và khuyến khích họ giải quyết các vấn đề này bằng các giải pháp ngoại giao.
Thật không may, chúng tôi không phải lúc nào cũng đạt được đồng thuận với Việt Nam về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo. Chúng tôi đã thúc giục Việt Nam rất mạnh mẽ về những chủ đề này, và một trong những thông điệp quan trọng của chúng tôi với phía Việt Nam là nếu chúng tôi đạt được mối quan hệ kinh tế thân mật hơn, nếu chúng tôi đạt được một hiệp định TPP, và nếu chúng tôi gia tăng mạnh mẽ sự hợp tác ngoại giao của hai nước, những nỗ lực như thế sẽ không nhận được sự ủng hộ chính trị từ nhân dân Hoa Kỳ, điều mà chính quyền rất cần nhưng lại không đạt được tiến bộ có thể chứng minh nào về vấn đề Nhân quyền từ phía Việt Nam.
Việt Nam đã đạt được những tiến bộ nào trên lĩnh vực nhân quyền?
Chúng tôi đã rất thẳng thắn với người Việt Nam về những gì mà chúng tôi nghĩ là họ có thể nỗ lực để cải thiện tình hình. Chúng tôi đang nói chuyện với họ về việc tăng cường phóng thích các tù nhân chính trị, về sự cần thiết phải gia tăng quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội, cũng như gia tăng quyền tự do tôn giáo. Chúng tôi chỉ nhìn thấy một vài tiến bộ khiêm tốn từ khi chúng tôi bắt đầu, bao gồm một vài vụ trả tự do cho tù nhân chính trị và một mối quan tâm từ Việt Nam trong việc phê chuẩn Công ước chống Tra tấn của Liên Hợp Quốc, điều mà tôi nghĩ là một tiến bộ đầy khích lệ.
Quyền lợi đất đai là một vấn đề lâu năm ở Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế và hoạt động xây dựng đi kèm với tăng trưởng đã xâm phạm đất nông nghiệp. Bạn nhìn thấy ngày càng nhiều vụ cướp đoạt đất nông nghiệp để sử dụng cho mục đích thương mại và công nghiệp. Theo cái kiểu cách mà luật đất đai được viết ra và thực hiện, thỉnh thoảng sẽ dẫn đến những căng thẳng trong vấn đề cưỡng chiếm đất đai của người dân, như chúng ta chứng kiến trong những bản tin gần đây. Theo định kỳ, có một số lượng đáng kể những vụ bất ổn ở các cấp địa phương về vấn đề đất đai và điều này là vấn nạn trên khắp cả nước Việt Nam. Theo nhiều cách khác nhau, điều này tương tự như những vấn đề mà người Trung Quốc đang trải qua.
Việt Nam là một trong những thị trường phát triển Facebook nhanh nhất. Đồng thời, có những báo cáo về những cản trở và kiểm duyệt gia tăng nhắm đến các blogger.
Việc sử dụng Internet đã phát triển nhảy vọt ở Việt Nam và các trang mạng xã hội thì cực kỳ phổ biến. Facebook là một trong số những trang mạng xã hội; cũng có vài trang bản địa nữa và việc viết blog thì cũng phát triển rộng khắp. Bất chấp những hạn chế và theo dõi sát sao của chính quyền đối với những hoạt động diễn ra trên Internet, vẫn có những cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xung quanh những vấn đề thu hút sự quan tâm của những thường dân Việt Nam như tham nhũng và sự cưỡng chiếm đất đai, đối với những vấn đề đnag diễn ra trong nội bộ chính quyền Hà Nội. Tuy nhiên, những tranh luận sôi nổi này chỉ diễn ra trong một không gian giới hạn, và nếu bạn vượt ra khỏi những giới hạn đó, bạn sẽ nhận ra chính bạn bị sự giám sát chặt chẽ hoặc bị bắt bởi nhà cầm quyền.
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do hậu quả của biến đổi khí hậu.
Chính quyền và người dân Việt Nam rất cảnh giác với hậu quả của sự biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Khu vực này bị đe doạ bởi việc làm đập chắn ở thượng lưu và nó cũng bị đe doạ bởi sự dâng cao của mực nước biển ở hạ lưu. Hậu quả của những nhân tố này là nạn ngập lụt gia tăng ở nhiều nơi như thành phố Hồ Chí Minh và gia tăng sự nhiễm mặn đối với những vùng đất nằm sâu trên thương lưu, điều này rất nghiệm trọng đối với khu vực phụ thuộc vào việc trồng lúa này. Cũng có một số hậu quả nghiêm trọng khác ở đây, và đồng bằng châu thổ sông Cửu Long sẽ nằm trong số những khu vực bị ảnh hưởng tiêu cực nhất trên thế giới do hậu quả của biến đổi khí hậu này. Việt Nam đang tìm cách thích nghi với những hậu quả biến đổi khí hậu này, bao gồm việc xây dựng những con đê và những giống lúa chịu mặn.
Hơn nữa, Việt Nam là thành viên rất năng động trong Uỷ hội Sông Mekong (MRC), một tổ chức đa phương hướng dẫn những việc như xây đập trên sông Mekong. Đập Xayaburi mà họ đã bắt đầu xây dựng ở Lào là chủ đề tranh luận rất mạnh mẽ trong khuôn khổ Uỷ hội sông Mekong, và trên bình diện quan hệ song phương Lào – Việt. Việc xây đập trong tương lai trên sông Mekong sẽ là chủ đề thu hút sự chú ý của cả Việt Nam, là nước nằm xa nhất dưới hạ lưu, cũng như của MRC.
Tới năm 2030, hơn 55% dân số châu Á là người thành thị. Điều gì là mối quan ngại đối với quá trình đô thị hoá nhanh chóng mà Việt Nam đang chứng kiến?
Sự phát triển đã diễn ra nhanh chóng và một cuộc di chuyển lớn của người dân từ nông thôn ra thành thị. Có sự bất công gia tăng trong các thành thị và sự bất cân bằng thu nhập đang gia tăng giữa thành phố và nông thôn, đặc biệt là những vùng núi, trong những cộng đồng sắc tộc thiểu số, những người sắc tộc này không có bất cứ cơ hội kinh tế tự nhiên nào mà người thành phố vẫn có. Có những vấn đề nhức nhối tiềm tàng khi Việt Nam chuyển động về phía trước. Chính quyền biết rất rõ những vấn đề này, nhưng việc phát triển ý chí chính trị và các nguồn lực cần thiết để giả quyết những vấn đề này là đầy thách thức đối với họ. Đây là một vài điều mà Hoa Kỳ, với tư cách là một đối tác, đã theo dõi rất sát sao; nó là nguồn gốc của mọi bất ổn tiềm tàng.
Vài trò của Quốc hội Việt Nam đã thay đổi như thế nào?
Một số người Việt Nam ngày càng xem Quốc Hội như là nhân tố tiềm ẩn khả năng cân bằng và kiểm soát đối với chính quyền. Đây là một bước phát triển quan trọng. Các lãnh đạo Việt Nam có vẻ sẵn sàng trải nghiệm những kiểu cách khác biệt mà Quốc Hội có thể giúp lên tiếng về các vấn đề kinh tế và chính trị. Và họ cũng thực hiện vài điều thú vị – họ tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với các lãnh đạo chính quyền, họ đã bắt đầu gọi các bộ trưởng ra trước Quốc Hội để đưa ra các bằng chứng cho công chúng và họ cũng đang cân nhắc nhiều thứ như thiết lập một đài truyền hình cáp kiểu như C-SPAN (một mạng lưới truyền hình cáp phi lợi nhuận phục vụ cộng đồng ở Mỹ – ND) để có thể phát sóng ít nhất một số phiên họp Quốc Hội. Đây là những bước tiến bộ khá khiêm tốn nếu xét đến bản chất của hệ thống chính trị Việt Nam, nhưng chúng cũng rất quan trọng, và đó cũng là cách để mở ra nhiều cuộc tranh luận chính trị cho xã hội nói chung, điều mà cho đến nay người Việt Nam vẫn chưa được trải nghiệm.
Bản dịch của Huỳnh Thục Vy
Nguồn: In Asia / Asia Foundation