Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Về việc thành lập Học Viện Khổng Tử ở Việt Nam

Tác giả: Huỳnh Thục Vy
English Translation by Hung Do
Published by The Diplomat
“Tell the World”
 (Defend the Defenders)


Gần đây, một trong những đề tài gây tranh cãi sôi nổi trong giới trí thức Việt Nam là việc thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, trong cuộc gặp với người đồng nhiệm Trung Quốc – Lý Khắc Cường, đã công bố quyết định cho phép thành lập Học viện Khổng Tử đầu tiên ở Việt Nam đặt tại Đại học Hà Nội.

Như thường lệ, trong tình cảm mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc, bất cứ động thái nào của chính quyền Việt Nam liên quan đến mối quan hệ với người đàn anh bá đạo Trung Quốc đều gây nên những lo lắng và sự phản đối của người dân Việt Nam. Nhưng tôi e rằng trong thực trạng bất công của mối quan hệ Việt Trung hiện nay, sự lo lắng nhắm vào việc thành lập học viện Khổng Tử như là sự bá quyền về văn hoá cho thấy tình trạng dư luận Việt Nam bị đánh lạc hướng.

Học viện Khổng Tử là một cơ sở giáo dục nằm dưới sự điều hành của Nhà nước cộng sản Trung Quốc, hoạt động nhằm các mục tiêu chính sau: truyền bá ngôn ngữ Trung Hoa; phổ biến văn hoá Khổng Nho; và xúc tiến các chương trình hợp tác trao đổi văn hoá giữa Trung Quốc và các quốc gia khác. Ba mục tiêu này chỉ nằm trong một mục tiêu lớn hơn và quan trong hơn nhiều, đó là sự triển khai “quyền lực mềm” của Trung Quốc khắp thế giới. Nếu học viện này được đưa vào Việt Nam nhằm mục tiêu triển khai quyền lực mềm, điều này không đáng lo ngại bằng việc Trung Quốc áp đặt quyền lực cứng lên đất nước Việt Nam thông qua nhà cầm quyền Việt Nam từ mấy chục năm qua,  chưa kể những viện trợ cho phe cộng sản thời chiến tranh. Vấn đề lớn hơn phải cân nhắc là quyền lực mềm đó có bản chất thế nào, phương pháp thực hiện quyền lực mềm đó ra sao, tính công bằng trong mối quan hệ song phương có đảm bảo không và quyền lực mềm đó có tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp đặt quyền lực cứng hay không…

Việc học một ngoại ngữ, trong trường hợp này là tiếng Trung, đối với sinh viên-thanh niên Việt Nam, không những không đáng lo mà còn đáng khuyến khích, việc học ngôn ngữ và mở rộng kiến thức về một quốc gia khác luôn cần thiếtThực chất, với con số hàng chục ngàn người Trung Quốc đang có mặt tại Việt Nam và với các mối quan hệ toàn diện giữa hai nước Việt Trung do hai nhà nước cộng sản thực hiện từ mấy chục năm qua, việc biết tiếng Trung mang lại cơ hội việc làm đáng mong muốn cho người Việt Nam. Điều đó tạo nên động lực tự nhiên của việc học ngôn ngữ này. Nếu không có học viện Khổng tử dạy thì người ta sẽ đi học ở các trung tâm ngoại ngữ khác.

Việc thâm nhiễm văn hoá Khổng Nho, cũng không đáng bàn, vì Việt Nam là một quốc gia với nền văn hoá truyền thống chủ đạo là văn hoá Khổng Nho, việc tiếp tục  truyền bá văn hoá này hay không, không mang nhiều ý nghĩa. Tất nhiên, những hệ luỵ tồi tệ mà văn hoá Khổng nho đã để lại trên đất nước này quá rõ ràng. Nhưng điều cần suy ngẫm và hành động ngay là làm thế nào để đưa những tư tưởng và văn hoá mang tính khai sáng và tự do của phương Tây vào Việt Nam, để tạo nên sự đột phá về tư duy, để tạo điều kiện tốt cho công cuộc chuyển đổi dân chủ như cách phương Tây hoá  mà người Nhật đã làm; chứ không phải là ngồi  lo lắng về việc người ta đang rót thêm nước Khổng nho vào cái cốc vốn đã đầy thứ nước nước này.

Thứ ba, là về việc thúc đẩy các chương trình hợp tác văn hoá giữa hai nước. Với sự phụ thuộc chính trị của đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam đối với đảng và Nhà nước cộng sản Trung Quốc, tôi cho rằng, không có học viện Khổng Tử thì chương trình “hợp tác văn hoá” này vẫn được thực hiện từ lâu, nghiêm trọng hơn sự hợp tác văn hoá này chủ yếu diễn ra theo một chiều nghiêng về phía Trung Quốc. Và  hiện tại không chỉ  có sự hợp tác văn hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà sự thể đã được đẩy tới mức đáng lo ngại gấp trăm lần hơn. Đó là sự gắn kết và phụ thuộc cả về chính trị, kinh tế và xã hội của Việt Nam đối với Trung Quốc. Trong khi phương Tây không có gì để lo lắng về quyền lực mềm của Trung Quốc vì thực trạng nội bộ thảm hại của  đất nước to lớn này lẫn sự hung hăng của họ đã vang dội khắp năm châu. Thì nhà cầm quyền Việt Nam lại hèn nhát, bỏ ngõ cánh cửa quốc gia cho Trung Quốc muốn dùng quyền lực nào cũng được, chứ không phải chỉ mỗi quyền lực mềm. Một học viện Khổng tử, thiết nghĩ, cũng chỉ là thêm một sự kiện nhỏ vào một bối cảnh lớn đã trở nên trầm trọng từ lâu.

Có thể xem qua một vài ví dụ điển hình về sự bá quyền toàn diện mà Trung Quốc đã áp đặt lên Việt Nam dưới sự trợ giúp ngoan ngoãn của chính quyền Việt Nam. Trong thời chiến, Trung Quốc đã rông tay trao cho chính quyền cộng sản miền Bắc Việt Nam những khoản viện trợ khổng lồ để đánh miền Nam. Hiện nay, Trung Quốc đang tiếp tục viện trợ cho chính quyền Việt Nam những khoản tiền không thể xác định, nhằm giữ cho Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc và nhằm tiếp sức cho chính quyền Việt Nam có đủ lực để giữ nguyên hiện trạng độc tài.  Gần 300 ngàn héc ta rừng đầu nguồn, trong đó có hơn hai trăm ngàn ha thuộc mười tỉnh biên giới xung yếu đã được giao cho người Trung Quốc, Hồng Kông thuê với thời hạn 50 năm. Hơn 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất… của Việt Nam, đều do Trung Quốc đảm nhiệm theo hình thức tổng thầu EPC. Cùng với các hợp đồng tổng thầu này là việc hàng chục nghìn người lao động phổ thông Trung Quốc sang Việt Nam làm việc, lấy mất cơ hội việc của người lao động Việt Nam trên chính đất nước mình. Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ của máy móc, công nghệ lỗi thời, hàng hoá kém chất lượng và hoá chất độc hại chết người từ Trung Quốc. Quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hiện đang nằm trong sự kiểm soát thô bạo của Trung Quốc. Các văn hoá phẩm Trung Quốc như tiểu thuyết, phim ảnh, tài liệu chính trị- văn hoá tràn ngập thị trường Việt Nam…

Nếu sự hiện diện của  học viện Khổng Tử quan trọng và ảnh hướng lớn đến quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc  ở Việt Nam thì chắc chắc từ nhiều năm qua hàng chục học viên Khổng tử đã được thành lập tại Việt Nam mà không có sự phản đối nào từ giới trí thức hay người dân thường có thể ngăn cản được.  Một nhà cầm quyền phụ thuộc ngoại bang đến độ ngư dân của mình bị tàu Trung Quốc bắn chết cũng không dám có hành động phản đối và có hành động ngăn chặn thực tế, thì liệu họ có dám cãi lời khi việc thành lập học viện này thực sự quan trọng đối với người đàn anh này?

Vì thế, thiễn nghĩ, sự kiện thành lập học viện Khổng Tử gần đây chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi những sự kiện quan trọng hơn như: Quốc hội Việt Nam sắp thông qua một bản Hiến pháp phản động, không những không pháp chế hoá các quyền tự do và nhân quyền phổ quát mà còn cố gắng xâm phạm các quyền này; nhiều trẻ sơ sinh đột tử do bị tiêm vaccine kém chất lượng dẫn đến sự phản kháng của người dân kêu gọi Bộ trưởng y tế phải từ chức; tình trạng chính quyền độc tài bảo trợ cho các chủ dự án cướp đất của nông dân gây nên làn sóng phẫn nộ khắp cả nước; và chế độ công an trị trao quyền lực cho lực lượng công an lộng hành, đánh chết nhiều người dân vô tội… Chính quyền Việt Nam trước nay vẫn là bậc thầy trong việc định hướng dư luận theo hướng có lợi cho họ, mà học viện Khổng Tử chỉ là một trong những trường hợp như thế.