Ngày 25 tháng 11 hằng năm được chính thức công nhận là "Ngày quốc tế loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ" từ ngày 17 tháng 12 năm 1999 theo Nghị quyết số 54/134 của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc.
Ngày 25 tháng 11 vừa qua, để kỷ niệm Ngày quốc tế này, Tổng thứ ký Liên Hiệp quốc Ban Ki-moon đã "hoan nghênh nỗ lực đồng loạt kêu gọi chấm dứt việc sử dụng bạo lực theo ước tính nhắm vào một phần ba số phụ nữ trên thế giới", "cổ vũ các nhà lãnh đạo nỗ lực ban hành và áp dụng luật pháp cũng như góp phần thay đổi não trạng"...
Và khoảng thời gian ngắn ngủi từ ngày 25 tháng 11 đến ngày 10 tháng 12 (Ngày quốc tế Nhân quyền) hằng năm được mệnh danh là "16 ngày hành động" chống lại việc sử dụng bạo lực đối với phụ nữ. Quả thật là một sự sắp xếp thích đáng khi kết nối Ngày quốc tế xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và Ngày quốc tế Nhân quyền bằng 16 ngày dành riêng cho phụ nữ này.
Thực vậy, cũng trong ý nghĩa đó, cuộc vận động cho quyền lợi của phụ nữ khắp thế giới không thể tách rời khỏi nỗ lực vận động bảo vệ Nhân quyền phổ quát. Quyền của nữ giới sẽ không bao giờ được tôn trọng và đảm bảo trong một xã hội mà Nhân quyền nói chung bị chà đạp. Vì thế, cuộc vận động cho Nhân quyền của phụ nữ Việt Nam là một mảng vô cùng quan trọng, gắn bó mật thiết với mọi nỗ lực vận động cả quốc nội và hải ngoại cho Nhân quyền ở Việt Nam.
Trong bối cảnh đầy ý nghĩa đó, ngày 25 tháng 11 năm 2013 vừa qua, tổ chức xã hội dân sự có tên Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam chính thức được thành lập, không ngoài mục tiêu bảo vệ tất cả phụ nữ Việt Nam- những người là nạn nhân của những vụ vi phạm Nhân quyền đang ngày một trở nên nghiêm trọng hơn tại xứ sở này.
Mặc dù, đã đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò thứ yếu trong những đổi chác mang tính chính trị của ngoại giao quốc tế, Nhân quyền vẫn là giá trị phổ quát có khả năng gắn kết mọi cá nhân trên khắp thế giới bất chấp sự khác biệt về giới tính, chủng tộc, quốc gia, thể chế chính trị... Dó đó, ngày hôm nay, cuộc vận động cho Nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ ở Việt Nam trở nên đặc biệt chính đáng và đầy uy tín quốc tế.
Như chúng ta đã biết, với sự tồn tại và hoạt động trên danh nghĩa và chỉ nhằm phục vụ quyền lợi của Đảng cộng sản Việt Nam, Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam chưa và sẽ không bao giờ thực sự mang giá trị tự thân đáng tự hào của một hội đoàn dân sự. Và việc hình thành những tổ chức dân sự thay thế vai trò của Hội này, nhằm gánh vác sứ mệnh bảo vệ quyền lợi của phụ nữ Việt Nam là một vấn đề mang tính lịch sử, cấp thiết và không thể tránh khỏi. Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam là một tổ chức dân sự đầu tiên như thế.
Chúng ta có thể điểm lại vài nét trong bức tranh vi phạm Nhân quyền và chà đạp nhân phẩm phụ nữ rộng lớn của chính quyền Việt Nam. Công an cưỡng chế thu hồi đất lôi kéo những phụ nữ dân oan trần truồng giữ đất như súc vật; quản giáo ngược các nhà nữ bất đồng chính kiến trong tù; dân phòng, an ninh thường phục đánh đập những nhà hoạt động nữ trong các cuộc biểu tình ôn hoà hay dã ngoại Nhân quyền; công an phường làm nhục người nữ đối kháng trong đồn công an phường... Đó là những sự kiện làm tổn thương lương tâm nhân loại và thực sự bất xứng đối với vị trí của một chính quyền là thành viên của Liên Hiệp quốc và có những cam kết quốc tế về bảo vệ Nhân quyền.
Sự ra đời của Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam vừa trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc bất chấp thực trạng Nhân quyền tồi tệ ở quốc gia này, là một phép thử kiểm tra thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam đối với các tiếng nói đòi tự do nhân quyền sau sự kiện này. Thứ hai, đây cũng là cơ hội cho nhà cầm quyền để điều chỉnh cách xử sự của họ, không phải vì thành tâm mà vì vận mệnh của chính họ.
Mặc dù vậy, chúng ta không bao giờ nên chủ quan đối với một nhà cầm quyền có bề dày về những kinh nghiệm giả trá và lừa bịp cả với người dân Việt Nam lẫn công luận quốc tế. Bản lĩnh, sự khôn ngoan và tình yêu dành cho nhau của những người phụ nữ Việt Nam sẽ giúp chúng ta cùng nhau vượt qua những khó khăn phía trước, nhưng chúng ta không thể hoạt động hiệu quả mà không có sự ủng hộ quốc tế.
Như chúng ta đã biết, Uỷ ban Nhân quyền của Liên hiệp quốc đã hoàn toàn thất bại trong cố gắng trung thành và theo đuổi mục tiêu mà nó đề ra ban đầu. Năm 2003, sự kiện Lybia dưới chế độ độc tài Gaddafi được bầu làm chủ tịch Uỷ ban này là một sự sỉ nhục không chỉ đối với Uỷ ban Nhân quyền mà còn là tai tiếng đối với cả cái thiết chế quốc tế Liên Hợp quốc.
Nếu Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc hôm nay không muốn đi vào lịch sử như một sự thất bại tiếp theo, Hội đồng này phải thay đổi triệt để. Bất cứ sự nhượng bộ nào của Hội đồng này đối với các chế độ độc tài sẽ biến nó trở thành sân chơi của những thế lực cơ hội chính trị tầm quốc tế và giá trị Nhân quyền cao quý sẽ bị chà đạp ở chính nơi nhận nhiệm vụ quan sát và bảo vệ nó.
Với nhu cầu đó, Hoa Kỳ và các quốc gia tự do phải lãnh đạo Hội đồng Nhân quyền và thay đổi thực trạng này. Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới về Quyền lực mềm, mà Quyền lực mềm ấy còn là gì nếu không có các giá trị Tự do, Dân chủ, Nhân quyền? Thời gian phía trước chính là cơ hội cho chính phủ các quốc gia tự do nói chung và Hoa Kỳ nói riêng thể hiện thái độ của mình một cách rõ ràng.
Trở lại vấn đề của chúng ta, với tôn chỉ hoạt động độc lập và chỉ liên quan đến lĩnh vực Nhân quyền, trong tình hình chính sự quốc nội đầy thù địch với những nhà hoạt động bảo vệ Nhân quyền, Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam nhận thức rõ những thách thức mà tổ chức dân sự này phải đối mặt. Dù một mặt chủ động xây dựng nội lực, Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam vẫn liên lạc chặt chẽ và kêu gọi chính phủ các quốc gia tự do hãy hành động có trách nhiệm sau khi đã bầu cho Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền.
Đặc biệt chúng ta sẽ chờ xem các động thái của Hoa Kỳ với tư cách là người đàn anh của thế giới tự do; vì chỉ mới đây, vào chính ngày thành lập Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã tuyên bố:" Ngày này là thời điểm để chúng ta tái khẳng định quyết tâm biến lời nói thành hành động, và chúng ta cam kết góp phần giúp thế giới thoát khỏi những hành xử tàn bạo đã tước đoạt cuộc sống bình đẳng và nhân phẩm từ những người đồng hương của chúng ta (phụ nữ)".