Kính thưa quý thân hữu và các cơ quan truyền thông tự do,
Hằng năm các tổ chức xã hội dân sự trong cộng đồng ASEAN đều
tổ chức một Hội nghị khoáng đại tại quốc gia đứng nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN gọi
là Hội nghị XHDS ASEAN/ Diễn đàn người dân ASEAN, gọi tắt theo tiếng Anh là
ACSC/ APF
Sau các cuộc họp và các buổi thảo luận trước đó, các tổ chức
XHDS trong ASEAN sẽ trao một bản Tuyên bố chung
cho các chính phủ thành viên trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN thường niên để
khuyến nghị hoặc đòi hỏi các chính phủ thành viên này hãy thực hiện các cam kết
tôn trọng nhân quyền, tiến hành các quá trình lãnh đạo dân chủ, chuyển hướng
dân chủ hóa, xây dựng ASEAN thành một cộng đồng thịnh vượng, hòa bình và lấy
người dân làm trung tâm...
Thế nhưng các cam kết này từ bao năm nay đã bị các chính quyền
thành viên ASEAN thờ ơ, thậm chí là tìm cách trấn áp, đặc biệt là các chính quyền
độc tài, vi phạm nhân quyền như Việt Nam, Miến Điện...
Điều đáng lưu tâm là tuy được gọi là Hội nghị XHDS ASEAN/ Diễn
đàn người dân ASEAN, nhưng những đại diện XHDS tham gia từ Việt Nam lại là người
của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam và các tổ chức dưới trướng của nó chứ không phải
là các tổ chức XHDS độc lập. Vì thế, các tổ chức XHDS độc lập và bảo vệ Nhân quyền trong nước bị gạt ra
ngoài lề mọi cuộc bàn thảo của Diễn đàn XHDS
ASEAN này.
Nhưng từ năm 2015 này, đại diện của các tổ chức XHDS độc lập
trong nước như: Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, Hội Cựu Tù nhân Lương Tâm, Hội
Ái Hữu Tù nhân chính trị và Tôn giáo, Diễn đàn XHDS... đã tìm cách tiếp cận,
liên lạc và tham gia quá trì góp ý cho Bản Tuyên bố chung của Hội nghị XHDS
ASEAN này.
Chúng tôi đã đòi hỏi phải có tiếng nói của mình trong diễn
đàn, cũng như lên tiếng tố cáo các tổ chức XHDS giả hiệu của Nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam trước cộng đồng XHDS ASEAN.
Và điều đáng mừng, trong bản Tuyên bố chung 2015 lần này, chúng tôi đã nỗ lực đưa được những
ví dụ điển hình về các điều luật mơ hồ, vi phạm Nhân quyền của Việt Nam vào Bản
Tuyên bố chung của XHDS ASEAN như: "Phá hoại khối đoàn kết dân tộc", "Tuyên truyền chống Nhà nước",
"Lợi dụng quyền Tự do Dân chủ"...Đây chắc chắn là một cú đả kích lớn
vào chính quyền Việt Nam trước mặt cộng đồng XHDS ASEAN.
Thế là từ nay, các tổ chức xã hội dân sự độc lập của chúng
ta đã có kênh liên lạc trực tiếp để truyền tải tiếng nói của mình với cộng động
XHDS ASEAN và danh chính ngôn thuận được công nhận vai trò bất chấp nhà cầm quyền
cộng sản VN có đồng ý hay không.
Cũng tại Buổi thảo luận
của ACSC/APF tại Mã Lai vừa qua, có 5 tổ chức XHDS , trong đó có Hội Phụ nữ
Nhân quyền Việt Nam đã cùng đưa ra một bản Tuyên bố ngắn minh định những đòi hỏi
của chúng tôi. Xin lưu ý là Bản Tuyên bố này khác với Bản Tuyên bố chung của
XHDS ASEAN mà chúng tôi đã phổ biến.
Bản Tuyên bố ngắn này được đọc bởi một người bạn, được chúng
tôi ủy quyền để nêu lên tiếng nói của mình tại buổi thảo luận vì những nhà hoạt
động XHDS Việt Nam không thể xuất cảnh để tham gia bàn luận cùng các đại diện
XHDS của các nước ASEAN khác.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với quý thân hữu và cơ
quan truyền thông tự do Bản Tuyên bố này để một lần nữa xác định lập trường của
chúng tôi.
Kính
Huỳnh Thục Vy
Bản Tuyên bố ngắn
Chúng tôi, Hiệp hội
Giáo dân Cồn Dầu, Hội Ái Hữu Cựu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo, Phong Trào Liên
Đới Dân Oan, Hiệp hội Công nhân Nông dân, và Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam,
lên tiếng cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam. Chúng tôi lâu nay
bị loại ra khỏi các hoạt động của Hội nghị XHDS ASEAN . Đoàn đại biểu quốc gia
của Việt Nam không đại diện cho xã hội dân sự. Nó bao gồm các tổ chức được
thành lập bởi chính quyền (GONGOs) để trấn áp các tổ chức XHDS (CSO) thực sự ở
Việt Nam và xâm nhập vào cộng đồng XHDS ASEAN.
Việt Nam là một quốc
gia độc đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam (VCP) kiểm soát chính phủ, ngăn chặn sự
phát triển của xã hội dân sự và những tiếng nói bất đồng. Những người tổ chức
hoặc tham gia vào các tổ chức XHDS thực sự đang bị bắt giữ và cầm tù, đôi khi
không cần xét xử và sau khi bị cáo buộc các tội như "Phá hoại đoàn kết dân
tộc", "lợi dụng các quyền tự do dân chủ", và "tuyên truyền
chống nhà nước". Các nhà hoạt động xã hội dân sự bị cầm tù, bao gồm cả một
số người trong chúng tôi ký tên trong tuyên bố này, đã phải chịu phạt tù và /
hoặc bị tra tấn. Ngay cả sau khi chúng tôi được thả khỏi nhà tù, nhiều người
trong chúng tôi vẫn còn thường xuyên bị quản thúc tại nhà hoặc giám sát chặt chẽ
bởi các nhân viên an ninh của chính quyền.
Một phần quan trọng của hệ thống đàn áp này là việc thành lập
một mạng lưới chính thức của GONGOs dưới sự bảo trợ của "Mặt trận Tổ quốc",
mặt trận này được sử dụng bởi đảng Cộng sản Việt Nam để can thiệp vào tất cả
các khía cạnh của xã hội, để ngăn chặn các hoạt động độc lập, và để chuyển hướng
sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế vào các kênh chính thức để tiếp tục đàn áp xã hội
dân sự. "Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam" (VUFO) thuộc Mặt trận
Tổ quốc và hoạt động như cơ quan thường trực của Ủy ban công tác về các tổ chức
phi chính phủ nước ngoài (COMINGO). Lãnh đạo của VUFO được bổ nhiệm bởi Đảng cộng
sản Việt Nam và là thành viên của đảng CSVN. Nó là một phần nối dài của nhà cầm
quyền đàn áp Việt Nam.
Với tư cách là các nhà hoạt động và các tổ chức xã hội dân sự
Việt Nam, chúng tôi muốn làm việc với các tổ chức và các nhà hoạt động ở các nước
ASEAN khác để tranh đấu cho tự do, dân chủ, hòa bình, công lý, và các mục tiêu
chung khác. Thật không may, hầu hết chúng tôi bị cấm xuất cảnh nên không thể
tham gia các hội nghị xã hội dân sự trong khu vực như APF / ACSC. Một vài người
trong chúng tôi xoay xở để ra được khỏi đất nước để tham dự các sinh hoạt này
đã phải đối mặt với sự trả thù của chính quyền khi trở về.
Một trở ngại lớn hơn cho sự tham gia của chúng tôi là mạng
lưới chính thức của chính quyền đã tự động chen chân vào tiến trình APF / ACSC
và hiện đang chiếm nhiều vị trí thông qua các tổ chức như Quỹ Hòa bình và Phát
triển Việt Nam và VUFO. Họ không có quyền đại diện xã hội dân sự Việt Nam.
Chúng tôi hiểu rằng xã hội dân sự ASEAN có một lịch sử đáng
tự hào trong việc phơi bày và chống lại sự đàn áp xã hội dân sự của các chính
quyền cũ ở Burma / Myanmar và Indonesia và làm việc trong tinh thần đoàn kết với
các phong trào xã hội dân sự thực sự và độc lập ở những nước này. Chúng tôi yêu
cầu quý vị hãy mở ra sự hợp tác và đoàn kết tương tự đối với các nhà hoạt động
và các tổ chức xã hội dân sự thực sự tại Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu quý vị hãy
công nhận chúng tôi và các tổ chức thật sự độc lập khác bên trong Việt Nam là đại
diện thực sự của xã hội dân sự, hãy đưa các góp ý của chúng tôi vào bản Tuyên bố
chung và cung cấp cho chúng tôi cách kết nối từ xa vào hội nghị tháng Tư này.
Cuối cùng, chúng tôi yêu cầu APF / ACSC hãy có thái độ mạnh mẽ ủng hộ nền dân
chủ đa đảng cho tất cả các nước ASEAN và ủng hộ việc loại bỏ các điều luật mà
chính quyền đang sử dụng để đàn áp chúng tôi, bao gồm "phá hoại đoàn kết
dân tộc", "tuyên truyền chống nhà nước", và "lợi dụng các
quyền tự do dân chủ."
Cảm ơn sự xem xét của quý vị về các yêu cầu này. Chúng tôi
mong được làm việc với quý vị cho ASEAN và người dân ASEAN.